Friday, August 17, 2012

Các mỹ nhân trong Lịch sử Trung Hoa

Mình xin giới thiệu tới các bạn một số mỹ nhân đã đi vào sử sách trong lịch sử Trung Hoa, họ là những người, những phụ nữ đầy tài hoa đã gây ảnh hưởng một thời trong quá khứ. Những ảnh kèm theo trong bài là những ảnh fantasy mang tính chất tượng trưng để đại diện cho những mỹ nhân này. Trong đó có một số mỹ nhân mình không có thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ, nếu bạn nào có thì bổ sung giúp mình nha!



1 - Tây Thi (Trầm Ngư)

 

Tây Thi, còn gọi là Tây Tử, tên Di Quang, là một giai nhân tuyệt sắc ở nước Việt (một nước thuộc tỉnh Triết Giang, Giang Tô và một phần Sơn Ðông ngày nay) thời Chiến Quốc. Nàng xuất thân từ một gia đình nghèo, cha đốn củi, nàng dệt vải ở thôn Trữ La. Trữ La có hai thôn: Ðông thôn và Tây thôn, phần nhiều họ Thi. Vì nàng ở Tây thôn nên gọi là Tây Thi. Bạn nàng là Trịnh Ðán cũng là một giai nhân sắc nước, hương trời. Nhà ở gần sông, ngày ngày hai nàng cùng nhau ra đập sợi ở ven sông. Má hồng, nước biếc, hai bóng lộn nhau trông như hai đóa phù dung của buổi bình minh tươi đẹp. Vua nước Việt là Câu Tiễn bại trận, phải cùng vợ sang làm người tù chăn ngựa cho vua Ngô. Sau khi được thả về, lòng uất ức căm hờn, mong rửa thù. Ðại phu Văn Chủng hiến cho 7 kế phá Ngô. Một trong 7 kế là đem mỹ nữ sang dâng để mê hoặc vua Ngô. Câu Tiễn liền thực hành ngay. Trong vòng nửa năm tuyển được 2,000 mỹ nữ, lại chọn 2 người đẹp nhất là Tây Thi và Trịnh Ðán. Câu Tiễn sai Tướng quốc là Phạm Lãi đem 100 nén vàng đến thôn Trữ La rước 2 nàng về, trang sức lộng lẫy, cho ngồi trong xe có màn phủ. Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau ra ngoài đón coi. Ðường phố chật cứng! Phạm Lãi liền để 2 nàng trong quân xá rồi truyền dụ rằng: "Ai muốn xem mặt mỹ nhân phải nộp một đồng tiền." Chỉ trong một lúc ngắn mà tiền thu đầy quỹ. Hai nàng lên lầu, đứng tựa bao lơn, trông không khác nào tiên nga giáng hạ. Hai nàng lưu ở ngoài kinh thành 3 ngày, tiền thu không kể xiết. Câu Tiễn cho hai nàng ở riêng tại Thổ thành, rồi sai lão nhạc sư đến dạy múa hát. Ba năm qua, Tây Thi và Trịnh Ðán cùng một số mỹ nữ đã học múa hát thành thạo. Câu Tiễn liền truyền Phạm Lãi đem sang cống cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai vừa trông thấy hai nàng là xính vính, cho là thần tiên giáng trần, hồn phách mê mẩn, mắt nhìn như ngây, như dại .... Tây Thi và Trịnh Ðán được Phù Sai cực kỳ yêu mến. Nhưng riêng Tây Thi vì có sắc đẹp lộng lẫy lại khéo chiều chuộng, có nghệ thuật làm người say đắm nên Ngô vương sủng ái hơn: Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai. Trịnh Ðán ghen với Tây Thi, uất ức không nói được, một năm sau thì chết! Phù Sai đem chôn ở Hoàng mao sơn và cho lập đền thờ. Tây Thi có chứng đau bụng. Mỗi lần đau thì nhăn mặt, mà nhăn mặt thì lại đẹp thêm! Phù Sai đắm đuối trước nét đẹp thiên kiều bá mị của Tây Thi. Phù Sai xây cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang trí toàn bằng châu ngọc để làm cảnh cho Tây Thi đi dạo, ngắm cảnh. Lại cất Hưởng điệp lan, Ngoạn hoa trì, Ngoạn nguyệt trì, Ngô vương tỉnh, v.v... để Tây Thi ngắm hoa lan, coi ao hoa, thưởng trăng và soi bóng mình dưới giếng. Phù Sai lập cầm đài để Tây Thi đàn những cung đàn tuyệt diệu cho Phù Sai thưởng thức. Phù Sai lại cho đào một con sông nhỏ ở trong thành, rồi cùng Tây Thi dong thuyền, gọi là Cẩm phàm hình. Và còn nhiều nữa, kể không hết. Từ khi được Tây Thi, Phù Sai cứ ở luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, không thiết gì đến việc nước. Tây Thi, con người kiều diễm ấy, tuy có thân hình mảnh mai như cành liễu yếu mềm nhưng tiềm tàng một ý chí phi thường là quyết lật đổ cả một triều Ngô. Hai bàn tay ngà ngọc xinh xắn ngày nào dệt vải, quay tơ nhưng nay lại dùng để bóp nát cả một nước Ngô binh hùng, tướng mạnh. Mắt nàng cau một cái là một cái đầu rơi. Môi nàng cười một nét là kho nhà Ngô vơi đi bạc vàng, châu báu. Ngũ Viên, một vị tướng quốc kiên trung, đa mưu túc trí, đầy tài dũng lược đã vì nàng mà chết dưới thanh kiếm Chúc lâu của Phù Sai! Nước Ngô ngày càng suy yếu. Nước Việt thừa thế tấn công. Ngô bại trận, Phù Sai tự tử. 
Tây Thi làm tròn sứ mạng đối với tổ quốc; xin được về lại thôn Trữ La. Nhưng vương phi của Câu Tiễn sợ rằng chồng sẽ mê say sắc đẹp Tây Thi nên bí mật sai người bắt Tây Thi neo đá quăng xuống dòng sông Tam giang. Ðó là viết theo chính sử. 
Có truyện chép : Phạm Lãi yêu Tây Thi nhưng thấy Câu Tiễn muốn lấy Tây Thi nên ghen; sau đó, bày mưu cho vợ Câu Tiễn giết Tây Thi. 
Có truyện lại chép: Phạm Lãi trước đã cùng Tây Thi yêu nhau. Vì vậy, khi đốt phá đài Cô Tô, Phạm Lãi đã đón Tây Thi xuống thuyền, rồi cả hai bỏ nước đi du Ngũ hồ cho trọn cuộc tình. Có lẽ người đời sau giàu tình cảm và trí tưởng tượng nên không nỡ chia lìa đôi trai tài gái sắc Phạm Lãi - Tây Thi nên tạo câu chuyện du Ngũ hồ để an ủi oan hồn Tây Thi chăng?



2 - Điêu Thuyền ( Bế Nguyệt)



Ðiêu Thuyền bị loạn Ðổng Trác nên gia cảnh tan tành, cha mẹ bị giết hết, phiêu bạt lênh đênh, xin vào làm người ở cho quan Tư đồ Vương Doãn. Thấy nàng đẹp, có tài hát hay, đàn giỏi nên Vương Doãn nhận làm con nuôi. 
Ðổng Trác vốn làm chức quan nhỏ nhưng nhờ khéo léo dùng lễ vật làm nhân tình, lo lót nên thăng đến chức quan cao, thống lãnh hơn 200,000 quân ở Hiệp Tâỵ Lòng tham không đáy, Ðổng Trác nuôi mộng chiếm luôn ngôi vua. 
Nhân dịp triều đình bị loạn Thập thường thị (10 tên hoạn quan), Ðổng Trác lấy cớ bảo giá kéo quân về triều. Ðổng Trác chuyên quyền, khống chế các quan, giết vua Thiếu đế, Hà hậu, và Ðường phi. Ðổng Trác vào cung gian dâm cùng cung nữ và ngủ luôn trên long sàng, làm nhiều điều ngang ngược.
Ðổng Trác có đứa con nuôi tên Lữ Bố, sức đánh trăm người nên Ðổng Trác càng kiêu ngạo, hống hách. Ai chống đối thì bị giết ngay. Trước sự tàn bạo của Ðổng Trác, lòng dân căm phẩn, tất cả 18 chư hầu nổi lên nhưng đều bị Lã Bố dẹp yên. Ðại thắng, hắn càng kiêu căng. Và càng thẳng tay giết chóc. 
Vương Doãn nghĩ đến hành vi lộng quyền, sát nhân của Ðổng Trác mà xốn xang, phiền muộn và muốn tìm cách giết đi . Mãi suy nghĩ mà chưa ra một kế nào thì một hôm, Ðiêu Thuyền nói với Vương Doãn rằng nàng tình nguyện làm bất cứ điều gì để báo ơn nuôi dưỡng của Vương Doãn. Vương Doãn cả mừng nói: 
"Cha tin lòng của con nhưng ngại con không thực hiện được. Nguyên cha con thằng Ðổng Trác là phường hiếu sắc, bây giờ cha muốn dùng "liên hoàn kế", trước đem con hứa gả cho Lữ Bố rồi sau lại hiến con cho Ðổng Trác. Con ở giữa tùy cơ ứng biến làm cho hai cha con nó trở lại giết hại lẫn nhau. 
Nếu làm được như vậy là con liều thân giúp nước, công nghiệp vô cùng to lớn." 
Ðiêu Thuyền vâng lời. Vương Doãn bày tiệc tại nhà, mời Lữ Bố đến dự Trong bữa tiệc, Vương Doãn không ngớt lời ca tụng sức mạnh oai dũng của Lữ Bố làm cho Lữ Bố hừng chí, uống rượu hết bát này đến bát khác. Ðộ một lát, Vương Doãn truyền quân hầu đi nghỉ, chỉ để vài thị nữ ở lại châm rượu. Khi thấy Lữ Bố đã thấm hơi men, Vương Doãn truyền thị nữ phò Ðiêu Thuyền ra Mặt hoa mơn mởn, lại trang điểm vô cùng diễm lệ, mình liễu uyển chuyển, Lữ Bố vừa trông thấy giựt nẩy mình, tưởng là tiên nữ hạ phàm, nhìn không chớp mắt! Vương Doãn bảo Ðiêu Thuyền mời rượu Lữ Bố. Nàng uốn hai bàn tay ngà ngọc nâng ly rượu mời, anh mắt long lanh như sóng nước hồ thu đưa tình, bốn mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn nhau nữa khiến cho kẻ ngẩn ngơ, người ngơ ngẩn. Vương Doãn giả say. Lữ Bố mời Ðiêu Thuyền ngồi. Có phải là "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e" không? (!) Lữ Bố rõ ràng là "chết ngắc", cứ ngồi ngây người ra như tượng gỗ! Sau đó, Vương Doãn bảo Lữ Bố: 
"Lão muốn đưa con gái lão qua làm tiểu thiếp tướng quân để hầu hạ trang anh hùng duy nhất thời nay. Chẳng hay tướng quân có lòng thương yêu dung nạp không?" 
Tất nhiên là Lữ Bố còn gì sung sướng cho bằng. Vương Doãn lại bảo là để chọn ngày lành rồi nay mai sẽ đưa Ðiêu Thuyền sang làm vợ Lữ Bố. 
Ngày hôm sau, Vương Doãn lại mời Ðổng Trác đến nhà ăn tiệc. Vương Doãn ra lệnh tấu nhạc, rồi mời Ðổng Trác uống rượu. Khi trời về chiều, rượu đã ngà say Vương Doãn mời Ðổng Trác vào hậu đường. Bấy giờ, đuốc hoa đốt lên ráng rực cả nhà. Vương Doãn chỉ giữ lại mấy cô hầu dâng rượu, rồi thưa với Ðổng Trác: 
"Nhà cũng có phường giáo nhạc nhưng sợ kém cỏi vụng về, sợ không đẹp ý Thái sư nên không cho ra diễn tấu. Duy còn một kỳ nữ tài hoa khá lắm, xin cho phép gọi ra hầu." 
Ðổng Trác đồng ý ngay. Vương Doãn liền sai kéo rèm. Rèm châu vừa cuốn lên, cùng với tiếng đàn phách sinh huỳnh vang lên thánh thót là Ðiêu Thuyền nhè nhẹ gót hài bước ra, xiêm y tha thướt, mình liễu uyển chuyển múa trước rèm châu như thiên tiên nhập động ...Có bài ca khen Ðiêu Thuyền rằng: 
Phải người cung cũ Chiêu Dương? 
Xiêm y mây cuốn vương vương cánh hồng 
Nhẹ nhàng mình liễu như bông, 
Gót hài uyển chuyển trên lòng bàn taỵ 
Ðộng đình lạc lối hoa bay, 
Lương châu thoăn thoắt sen cài bước chân 
Nhà vàng gió cợt cành xuân, 
Trăm hoa nhường vẻ thanh tân một người! 
(Chú giải: Bài ca này có ý khen Ðiêu Thuyền đẹp như nàng Triệu Phi Yến ở Chiêu Dương cung của Hán Thành đế: hai bàn chân nhỏ bằng hai ngón tay cái làm cho lúc đi thân hình trở nên uyển chuyển nhẹ nhàng, có thể đứng trên bàn tay người ta được (Ðây là chuyện thật của tục bó chân ngày xưa.)
Ðổng Trác nhìn đắm đuối, đờ đẫn như kẻ mất hồn, ngây ngẩn ngẩn ngây. Ðiêu Thuyền lại cầm phách, gõ nhịp cất tiếng ca. Giọng trong như oanh kêu, cao như hạc gọi, khi trầm khi bổng, nghe thánh thót như rót vào tai, mà huyền huyền ảo ảo làm mê hồn tục khách! Ðó chính là: 

Nhất điểm anh đào khải giáng thần 
Lưỡng hàng toái ngọc phún dương xuân 
Ðinh hương thiệt thổ hành cương kiếm 
Yêu trảm tà gian loạn quốc thần! 

Một đóa anh đào chúm chím môi, 
Ðôi hàng răng ngọc rạng xuân tươi. 
Hương đưa đầu lưỡi tàng hơi kiếm: 
Chém chết gian thần có lúc thôi! 

Trong cơn say rượu thịt, sắc đẹp, hát hay, múa giỏi thì đúng là ... Ðổng Trác "hồn phi, phách tán". Vương Doãn lại hứa dâng hiến Ðiêu Thuyền cho Ðổng Trác. 
Sau đó, Ðiêu Thuyền về làm vợ cho Ðổng Trác nhưng lại "câu rê" Lữ Bố để càng ngày càng ly gián hai cha con ra. Trong hậu trường, hai cha con Ðổng Trác và Lữ Bố ngày càng thù ghét nhau chỉ vì "đòn sóc hai đầu" của Ðiêu Thuyền. 
Một hôm, Ðổng Trác bị cảm, Ðiêu Thuyền tận tụy chầu chực thuốc men, cơm cháo. Trác lấy làm vui lòng lắm. Bố nghe tin vào phòng vấn an. Vừa lúc Trác còn ngủ, Ðiêu Thuyền đứng sau giường nhìn Lữ Bố, lấy tay chỉ lòng mình rồi lại chỉ Ðổng Trác và hai hàng lệ chảy ròng trên má. Bố đau đớn vô cùng. Ðổng Trác giựt mình thức dậy, thấy Lữ Bố đứng nhìn sau giường mãi thì trở mình qua, lại thấy Ðiêu Thuyền nên nổi giận nạt Lữ Bố: 
-Sao mi dám giễu cợt ái cơ ta? 
Một lần khác, Lữ Bố lén gặp Ðiêu Thuyền. Ðiêu Thuyền tỏ vẻ tươi cười bảo Lữ Bố: 
-Lang quân ra sau vườn đến Phụng nghi đình mà chờ thiếp. 
Ðiêu Thuyền trang điểm xong, vội vàng bước ra Phụng nghi đình gặp Lữ Bố, rưng rưng nước mắt nói: 
-Thiếp tuy là con nuôi của quan Tư đồ song người coi như con đẻ. Người gả thiếp cho lang quân là chọn chỗ xứng đáng cho thiếp trao thân, gởi phận. Mừng chưa kịp no, không dè Thái sư (tức Ðổng Trác) lòng trâu dạ chó, bắt thiếp cưỡng bức như thế này. Sở dĩ thiếp chưa chịu chết vì chưa gặp mặt chồng. Nghĩ lại thiếp ngày nay chẳng khác hoa tàn, nhụy rữa còn phụng sự anh hùng sao đặng. Vậy thiếp xin tự tử trước mặt lang quân để lang quân hiểu rõ nỗi lòng của thiếp. 
Nói xong Ðiêu Thuyền nhắm ngay ao sen toan nhảy xuống. Lữ Bố lật đật ôm lại, cảm động nói: 
-Ta biết rõ lòng nàng lắm rồi 
Gặp đã lâu, Lữ Bố sợ Ðổng Trác về bắt gặp nên xách kích muốn đi. Ðiêu Thuyền nói: 
-Thiếp ở chốn khuê phòng nghe danh tiếng lang quân anh hùng trên đời có một, không ngờ lại bị có người kiềm chế như thế!
Nói rồi lại khóc òa lên như mưa như gió một cách bi thảm. Bố lấy làm thẹn thùa, xấu hổ để kích xuống, ôm lấy Ðiêu Thuyền, rút khăn chậm nước mắt cho nàng, tìm lời vỗ về an ủi. Hai người đang bịn rịn, âu yếm, không nỡ buông nhau thì thấy Ðổng Trác! Trác nổi máu ghen sùng sục, Lữ Bố hoảng hồn bỏ chạy, quên cả cây kích dựa lan can. Trác cúi xuống, cầm kích phóng ngay vào người Lữ Bố nhưng không trúng. 
Sau đó, do lời khuyên của Lý Nhu, Ðổng Trác muốn gả Ðiêu Thuyền cho Lữ Bố nên gọi Ðiêu Thuyền vào và nói: 
-Sao mi dám tư thông với thằng Lữ Bố? 
Ðiêu Thuyền khóc nấc lên rồi kể: 
-Thiếp đương xem hoa nơi sau vườn, thình lình Lữ Bố bước vào, thiếp hoảng sợ toan chạy trốn. Hắn nói hắn là con của Thái sư, không hề chi, rồi cầm kích rượt thiếp đến Phụng nghi đình. Thấy nó sinh tâm xấu xa như vậy, thiếp định liều mình nhảy xuống ao sen. Nó lại ôm cứng lấy thiếp. 
Ðương cơn bối rối thì vừa may ngài vào kịp nên thiếp mới toàn tính mạng. Vậy mà Thái sư không thương lại còn nói oan, nói xấu cho thiếp. 
Trác nói: 
-Ý ta muốn gả mi cho Lữ Bố, vậy mi có bằng lòng không? 
Ðiêu Thuyền thất sắc, nức nở: 
-Thiếp đã thất thân với Thái sư, bây giờ Thái sư lại nỡ lòng đem đưa thiếp cho con là một thằng thất phu như thế thì trái đạo quá. Vậy thiếp thà chết còn hơn sống mà chịu nhơ danh. 
Nói xong Ðiêu Thuyền bước lại rút lấy gươm treo trên vách toan đâm vào cổ. Trác hốt hoảng, vội giựt gươm, ôm Ðiêu Thuyền vào lòng, v.v.... 
Cuối cùng, trong âm mưu với Vương Doãn và Lý Túc, chính Lữ Bố là người cầm kích đâm ngay yết hầu của Ðổng Trác. 
Tây Thi với Ðiêu Thuyền cùng lấy sắc khuynh thành. Nhưng việc làm của Tây Thi còn dễ, việc của Ðiêu Thuyền khó hơn. Tây Thi chỉ phải đánh ngã một mình Ngô Phù Sai. Ðiêu Thuyền phải đồng thời đánh ngã cả Lữ Bố và Ðổng Trác. Phải luôn luôn nghĩ mưu kế trong lòng, thay đổi bộ mặt để đối phó với cả hai bên. Ta nghĩ rằng cái công của Ðiêu Thuyền đáng ghi vào sử xanh. 
Nếu như, khi Ðổng Trác bị giết rồi, Vương Doãn không vụng về mà gây ra cái loạn Lý Thôi, Quách Dĩ thì cơ đồ nhà Hán đã phục hưng ngay từ đó. Và như thế thì một cô gái như Ðiêu Thuyền há lại không đáng ghi tên vào nơi Phượng các, không được tô tượng ở chỗ Lân đài hay sao ? 
Cái tuyệt diệu của kế "liên hoàn" không phải là làm cho Lữ Bố giết Ðổng Trác đâu. Ngược lại, nhằm làm cho Ðổng Trác giết Lữ Bố. Nếu Trác cầm kích, phóng trúng Lữ Bố tức là Trác đã tự chặt một cánh tay và Trác sẽ bị tiêu diệt dễ dàng. Ðó mới là chủ ý. 
Riêng ta, ta yêu nàng Tây Thi thật lòng trở về với Phạm Lãi; và yêu nàng Ðiêu Thuyền giả vờ sống chết với Lữ Bố. Bởi vì tuy thân đứng trước Lữ Bố, nhưng lòng Ðiêu Thuyền bao giờ cũng chỉ nghĩ đến báo công nuôi dưỡng cho Vương Doãn mà thôi.



3 - Chiêu Quân 



Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, là một cung phi của vua Nguyên đế nhà Hán (48 - 53 trước Tây lịch). Lúc bấy giờ vua nằm mộng thấy mỹ nhân cùng giao ước 100 năm. Nhà vua cứ ngày đêm mơ tưởng đến người trong mộng nên truyền các quan địa phương tìm cho được người đẹp trong giấc mộng. Thái sư Mao Diên Thọ lãnh phần việc ấy. Mao Diên Thọ thừa "nước đục thả câu", ăn hối lộ của cung phi. Hễ ai đút lót tiền thì cho vẽ đẹp đẽ, xinh tươi dâng lên vua. Chiêu Quân đẹp nhất nên không chịu lo lót, lại còn xỉ vả Mao Diên Thọ. Do đó, khi cầm bức vẽ Chiêu Quân, hắn lấy viết chấm dưới mắt Chiêu Quân một chấm làm thành nốt ruồi. Rồi khi dâng tranh lên vua, hắn sàm tấu rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng có nốt ruồi mà sách tướng gọi là "thương phu trích lệ". Ðó là nốt ruồi sát phu. Nhà vua nghe vậy nên không đoái hoài đến Chiêu Quân. Nhưng nhờ tiếng đàn tuyệt diệu, Chiêu Quân đã khiến cho Hoàng hậu thấu rõ oan tình và dàn xếp cho gặp Hán vương. Chiêu Quân được phong làm Tây Cung vì nhà vua nhận ra đúng là người đã gặp gỡ trong mộng. Mao Diên Thọ bị kết án nhưng trốn được qua đất Hồ, đem dâng Phiên chúa bức tranh của Chiêu Quân làm Phiên chúa say đắm! Giặc Hung Nô khởi loạn, binh Hán đại bạị Phiên chúa đòi phải cống Chiêu Quân thì mọi việc được yên. Trước cảnh giang sơn nghiêng ngửa, vua Hán đành phải ngậm ngùi đưa Chiêu Quân sang cống Hồ. Khi qua ải Nhạn Môn, trong nỗi niềm thương nước nhớ nhà, giận kẻ gian thần, nàng xuống kiệu, hướng về quê hương và dùng đàn khảy lên khúc "Khúc quá quan". Giọng đàn bi ai thảm thiết, mọi người theo đưa đều não lòng nhỏ lệ Cây cỏ bên đường cũng héo hắt, gục xuống mặt đất như để buồn lây ... Nhìn một con chim lẻ cánh bạt gió về chiều, nàng xót xa cảm cho thân thế, cất tiếng ngâm: 

Cánh én cô đơn đượm tủi sầu, 
Ngang trời gió cuốn bạt về đâu. 
Quan san ngàn dặm vương thương nhớ, 
Hồ Hán từ nay cách biệt nhau. 

Khi sang đến đất Hồ, Chiêu Quân yêu cầu Phiên chúa xây một chiếc cầu trên sông Hắc Thủy để tạ ơn Trời Ðất. Lên cầu, nhìn cánh nhạn bay, nhìn dòng sông Hắc Thủy, nàng xót xa đau đớn, ngao ngán thở dài: 

Thủy hà sóng lạnh gió đìu hiu, 
Cánh nhạn lê thê giải nắng chiều. 
Thấp thoáng mây về nơi lữ thứ, 
Mơ màng một giấc mộng cô liêu. 

Ngâm thơ xong, nàng lao mình xuống sông Hắc Thủy! Cái chết trinh liệt của nàng khiến cho mọi người, kể cả Phiên chúa, ngậm ngùi thương tiếc và cảm phục. Văn thơ đời Hán và đời sau có nhiều bài nói về cuộc đời và sự hy sinh thanh cao của Chiêu Quân. Ðến đời nhà Tấn (265 - 419), vua Tấn Tư Mã Chiêu đổi tên Chiêu Quân thành Minh Phi. Thạch Sùng sáng tác khúc ca Vương Minh Quân. Có khúc cổ nhạc gọi là "Chiêu Quân oán", "Chiêu Quân cống Hồ". Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, lúc Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, có câu: Quá quan này khúc Chiêu Quân, Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia. Trong "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Ðình Chiểu có câu: Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ, Bởi người Diên Thọ họa đồ gây nên! Tỉnh Tuy Viễn ở Trung quốc, bắc giáp Mông cổ, cách 10 cây số về phía Nam hãy còn mộ của Vương Chiêu Quân. Nơi đây có 3 tòa cổ miếu xây bằng đá: mộ của Chiêu Quân ở ngôi miếu giữa, hai bên là mộ của hai nữ tỳ đã cùng tự tử với nàng. Trên mộ bia có khắc mấy dòng chữ đã mờ vì thời gian "Vương Chiêu Quân chi mộ" Tương truyền cỏ ở chung quanh vùng này đều màu trắng, chỉ có cỏ mọc trên mộ Chiêu Quân màu đỏ, là giống cỏ ở Trung quốc mới có. Phải chăng đó là hồn thiêng của đất nước của người kỳ nữ đã hun đúc chuyện lạ để tiếng muôn đời?



4 - Dương Quí Phi



Tên là Dương Ngọc Hoàng, nguyên là vợ của Thọ Vương Mạo . Thọ Vương Mạo là con của vua Ðường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ, còn gọi là Ðường Minh Hoàng. Triều Ðường: 618 - 907), nhưng vì quá say mê sắc đẹp của Dương Quý Phi nên Ðường Huyền Tông chiếm đoạt và phong làm Quý Phi, gọi là Dương Quý Phi. 
Dương Quý Phi vừa đẹp, vừa thông minh nên vua Ðường đắm đuối yêu thương, bỏ mặc việc triều chính cho gian thần Lý Lâm Phủ trông coi. Lúc bấy giờ An Lộc Sơn, người Hồ, là tướng dũng mãnh, được nhà vua trọng dụng. Nhất là đối với Dương Quý Phi, nhờ khéo léo nịnh nọt nên họ An rất được yêu thương. An Lộc Sơn xin làm "con nuôi" của Dương Quý Phi để tiện ra vào làm chuyện gian dâm với Dương Quý Phi! 
Năm 755, An Lộc Sơn cử đại binh làm phản, đem 150,000 binh lính Khiết Ðan từ Phạm Dương kéo về chiếm Hà Bắc, Hà Nam, công hãm thành Lạc Dương, tự xưng là Yên Ðế rồi tấn công thẳng vào kinh đô Trường An. Binh triều đại bại, vua cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào Ba Thục. 
Ðến Mã Ngôi, tướng sĩ không chịu chạy nữa, đồng lòng giết chết gian thần Dương Quốc Trung (anh họ của Dương Quý Phi) và bức bách vua Ðường phải thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò vua. Lương thực hết, quân sĩ bất mãn, gặp bước đường cùng, vua Ðường đành dấu mặt, đứt ruột mà hy sinh "người đẹp khuynh nước, khuynh thành." Mối tình vương giả này sẽ bị chìm vào quên lãng nếu không có ngòi bút tài hoa của Bạch Cư Dị tô điểm cho thêm phần lâm ly bi đát. 
Bạch Cư Dị tự Lạc Thiên, quê ở Thái Nguyên, Sơn Tây, đậu Tiến sĩ năm 27 tuổi, nhậm chức Hàn lâm học sĩ. Chứng kiến cảnh thảm khốc của một bi tình lụy của Ðường Minh Hoàng, họ Bạch cảm xúc làm bài "Trường hận ca" nổi tiếng, được dịch qua tiếng Pháp bởi Georges Soulié de Morant và tiếng Việt bởi Yã Hạc và Trinh Nghiên. Vì bài "Trường hận ca" dài quá nên chỉ liệt kê 4 câu cuối như sau: 

(Tại thiên nguyện tác tị dực điểu, 
Tại địa nguyện vi tiên lý chị 
Thiên trường địa cửu hữu thời tận, 
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ) 

Trên trời nguyện hóa chim liền cánh, 
Dưới đất làm cây nhánh dính liền. 
Trời Ðất lâu bền rồi sẽ tận, 
Hận này muôn thuở vẫn miên miên... 

Tập "Tây Bắc thảm kỳ" của Ðào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368 - 1628) có chép truyện "Quái nham Quý Phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham. 
Quái Nham là một hòn núi hiểm hóc ở Thiểm Tây, không có dấu chân người Ðường Minh Hoàng đã hạ chỉ bắt xây dựng cầu mây để đưa Dương Quý Phi vào đó vui chơi, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của, chưa kể nhiều người chết do làm cầu. Cửa hang nơi Dương Quý Phi vào tắm thì càng vào trong càng rộng. Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên rộng tới vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một tấm nệm trải phẳng phiu. Có nhiều thứ cây lạ. Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài. Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, bóng loáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một con suối chảy lượn theo triền núi. Cách khoảng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rơi xuống hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuông ra, hợp với tiếng nước suối chảy tạo nên những tiếng nhạc êm tai. Dòng suối lại có những khúc rất sâu, nước trong vắt thấy tới đáy! Thật là một cảnh thần tiên. 
Ngày nay, di tích Dương Quý Phi vẫn còn. Trên vách đá phía Ðông thấy có hàng chữ "Dương Quý Phi toàn dục diễm tích" (dấu vết xinh đẹp khi Dương Quý Phi tắm suối). Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù có hơi phai nhạt màu nhưng trông như mới. Tất cả chừng 10 bức vẽ: lúc Dương Quý Phi cổi áo, lúc nàng nghịch nước, lúc lội suối với ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên thân hình tha thướt, uyển chuyển, da trắng như tuyết, .... Dưới các bức vẽ có đề ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ 10 (tức năm 752). Cuốn "Dị Văn Lục" chép khúc vũ Nghê Thường là do Ðường Minh Hoàng lên chơi cung trăng mà ra. Lúc ấy, trăng sáng Ðường Minh Hoàng mơ được lên chơi cung trăng. Ðạo sĩ La Công Viễn dùng phép tiên biến giải lụa trắng thành chiếc cầu đưa Ðường Minh Hoàng lên nguyệt điện. Trong điện có tiếng nhạc du dương, các nàng tiên xiêm y lộng lẫy, mùi nước hoa quyến rũ đâu đây, uyển chuyển múa hát như đàn bướm muôn màu tha thướt bay lượn bên hoa. Ðường Minh Hoàng càng nhìn càng say mê, quên cả trời gần sáng, nếu không có La Công Viễn nhắc thì đã ...quên trở về hạ giới. Khi trở về, Ðường Minh Hoàng nhớ lại và ghi thành khúc "Nghê thường vũ y" để rồi cứ đến rằm tháng Tám, Ðường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa khúc Nghê Thường mà tưởng chừng như đang ở Nguyệt điện. 
Tài liệu trên có tính cách thần thoại. Còn cuốn "Ðường Thư" ghi có phần thực tế hơn như sau: 
Ðường Minh Hoàng mơ lên chơi Nguyệt điện, thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim, xiêm y ngũ sắc, hát bài "Tây thiên điệu khúc"; đến khi trở về hạ giới thì còn nhớ mang máng. Nhằm lúc đó, có Tiết độ sứ là Trương Kính Thuật từ Tây Lương (Cam Túc ngày nay), đem khúc hát Bà La Môn đến hiến nên Ðường Minh Hoàng truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê thường vũ y". (Nghê: cầu vồng. Thường: xiêm ỵ Nghê thường nghĩa là xiêm y may bằng vải năm màu của cầu vồng. Vũ y: áo dệt bằng lông chim). Ðúng ra, căn cứ vào các tài liệu sử học và khoa khảo cổ, người ta cho rằng khúc "Nghê thường vũ y" là một vũ khúc Ấn Ðộ truyền sang Trung quốc qua "con đường tơ lụa" (route de la soie), khi đến Trung quốc thì được cải biến cho hoàn chỉnh hơn. 

Trong "Cung Oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều có câu: 
Dẫu mà tay múa, miệng xang, 
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê thường trông trăng 

Trong "Bích câu kỳ ngộ" có câu: 
Ðong đưa khoe thắm, đưa vàng, 
Vũ y thấp thoáng, Nghê thường thiết tha



5 - Trác Văn Quân



Vợ của Tư Mã Tương Như thời Hán. Có thơ số tiêu biểu như sau : 

Nhất biệt chi hậu, nhị địa tương huyền, 
Chỉ thuyết thị tam tứ nguyệt, hựu thùy tri ngũ lục niên, 
Thất huyền cầm vô tâm đàn, bát hành thư vô khả truyền, 
Cửu liên hoàn tòng trung chiết đoạn, 
Thập lý trường đình vọng nhãn dục xuyên, 
Bách tư tưởng, thiên hệ niệm, vạn ban vô nại bả quân oán. 
Vạn ngữ thiên ngôn thuyết bất hoàn, 
Bách vô liêu lại thập y lan, 
Trùng cửu đăng cao khán cô nhạn, 
Bát nguyệt trung thu nguyệt viên nhân bất viên, 
Thất nguyệt bán thiêu hương bỉnh chúc vấn thương thiên, 
Lục nguyệt phục thiên nhân nhân dao phiến ngã tâm hàn. 
Ngũ nguyệt thạch lưu như hoả thiên ngộ trận trận lãnh vũ kiêu hoa đoan, 
Tứ nguyệt tì bà vị hoàng ngã dục đối cảnh tâm ý loạn. 
Hốt thông thông, tam nguyệt đào hoa tùy thủy chuyển. 
Phiêu linh linh, nhị nguyệt phong tranh tuyến nhi đoạn, 
Ai ! Lang a lang, ba bất đắc hạ thế nhĩ vi nữ lai ngã vi nam.

Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Văn Quân, còn nhỏ tuổi mà sớm góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc "Phượng cầu hoàng" (Chim phượng trống tìm chim phượng mái).

Chim phượng, chim phượng về cố hương, 
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng 
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng. 
Hôm nay bước đến chốn thênh thang. 
Có cô gái đẹp ở đài trang, 
Nhà gần người xa não tâm tràng. 
Ước gì giao kết đôi uyên ương, 
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường. 

Nguyên văn:

Phượng hề, phượng hề quy cố hương, 
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng, 
Thời vị ngộ hề vô sở tương, 
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường. 
Hữu diệm thục nữ tại khuê phường, 
Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường. 
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương 
Tương hiệt cương hề cộng cao tường. 

Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng. Trác ông tức giận, quyết định từ con.
Đôi trai gái đó mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm ăn.



6 - Ban Chiêu



Ban Chiêu (đời Đông Hán - 25~196) tự là Huệ Cơ, sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Là con gái của Ban Bưu và là em gái của Ban Cố, Ban Siêu. Cha anh nàng có học thức cao nên bản thân nàng cũng không hề thua kém.
Năm nàng được 13 tuổi đã giỏi thi phú. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, nàng đã sánh duyên cùng Tào Thế Thức - cũng là một nhà nho lỗi lạc. Duyên vợ chồng giữa nàng và Thế Thức chỉ được 10 năm thì Thế Thức chết, nàng thủ tiết thờ chồng (nếu tính theo lệ 18 tuổi lấy chồng thì lúc này nàng chỉ khoảng 28 tuổi).
Nàng được vua mời vào cung làm thầy dạy học cho các hoàng tử, cung phi. Được nhiều người kính trọng.
Ban Bưu lúc này đang làm quan tại triều, được vua cử soạn bộ Hán Thư nhưng chưa làm xong thì đã chết. Anh nàng được lệnh kế tục công việc. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu sau thì bị cầm tù và chết (do có mối quan hệ với gia đình Chương Đức hoàng hậu). Thấy cha và anh dở dang công việc nên nàng đã tâu vua cho mình được tiếp tục việc hoàn chỉnh bộ Hán Thư. Vua Hoà Đế bằng lòng. Nàng được vào Đông Quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư. Trong thời gian này, Ban Chiêu còn sáng tác tập "Nữ giới" gồm có 7 thiên. Danh tiếng của nàng càng lẫy lừng.



7 - Thái Diễm



Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim. Tương truyền, thấy một người chụm củi, ông bảo: “Tôi nghe tiếng củi đó nổ, biết là củi tốt, sao đem chụm cho uổng”. Ông xin khúc củi về, làm một cây đàn, tiếng rất trong.
Nàng Thái Diễm lên 8 đã giỏi đàn. Có chồng là Vệ Đạo Giới nhưng lại góa chồng sớm, không con. Đương lúc Đổng Trác nổi loạn, nàng bị rợ phương bắc bắt về đất Phiên, phải sống tủi nhục ở đất Hung Nô. Nàng nhớ quê hương, mới làm ra 18 khúc kèn rợ Hồ. Những bản nhạc này truyền vào Trung Nguyên. Tào Tháo là chúa nước Ngụy, trước vốn là bạn thân của cha nàng, nay lại thưởng thức bản nhạc, động lòng thương xót, mới sai người đem ngàn lượng vàng lên phương bắc chuộc nàng về.
Vua đất Hồ là Tả Hiền vương vốn sợ uy thế của Tào Tháo phải cho người đưa nàng về Hán. Tháo lại đứng làm chủ gả nàng cho Đổng Kỷ.
Khi về nước, nàng Thái Diễm có làm bài “Bi phẫn thi” dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực kỳ thống thiết, mỗi chữ như một giọt lệ.

Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhứt khả.
Bỉ sương giả ha cô?
Nãi lao thử ách họa!

Nghĩa:

Muốn chết mà không được,
Muốn sống thêm vất vả.
Hỡi trời xanh tội gì?
Bắt ta gặp tai họa!

Hồ phong xuân hạ khởi,
Phiên phiên suy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thời niệm phụ mẫu,
Ai thán vô cùng dĩ!

Nghĩa:

Xuân hạ, gió Hồ nổi,
Phất phất tà áo ta.
Ào ào bên tai thổi,
Cảm xúc sinh nhớ nhà,
Cùng khổ thay nông nỗi.
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

Một hôm, Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị, tiện đường ghé thăm. Đổng Kỷ làm quan xa chỉ có nàng ở nhà. Nghe tin Tháo đến, nàng vội ra rước vào. Tháo ngồi trên sập, nàng thi lễ xong chắp tay đứng hầu bên. Tháo nhìn lên vách, chợt thấy một tấm bìa treo, có ghi bài văn bia, bèn đứng dậy bước đến xem và hỏi nguồn gốc. Thái Diễm thưa:
- Đây là bài văn bia đề một nàng Tào Nga. Xưa đời Hòa Đế, ở vùng Thượng Ngu có một người đồng bóng tên Tào Vu, hay lên đồng nhảy múa. Một hôm vào ngày mồng 5 tháng 5, Vu say rượu, đứng múa may trên thuyền, sẩy chân té xuống sông chết. Cô con gái của Vu vừa lên 14 tuổi, quá thương cha, cứ đi dọc bờ sông kêu khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống nước mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy nàng đội xác cha nổi lên mặt sông. Người trong làng vớt xác cả hai chôn cất. Quan huyện Thượng Ngu là Đỗ Thượng tâu việc ấy về triều. Triều đình khen nàng Tào Nga là gái hiếu, truyền cho lập bia. Đỗ Thượng lại sai Hàn Đan Thuần làm bài văn khắc vào bia để ghi lại việc ấy. Hàn Đan Thuần bấy giờ mới 13 tuổi, cầm bút viếc ngay một hơi thành bài văn, chẳng phải sửa chữa một chữ. Đỗ Thượng chịu là hay, cho khắc vào bia dựng bên mộ nàng Tào Nga. Thời bấy giờ, ai đọc cũng lấy làm lạ. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần… Phụ thân thiếp nghe tiếng cũng tìm đến xem, gặp lúc trời tối, không nhìn thấy chữ, phải sờ vào bia, lần từ nét mà đọc. Đọc xong, người lấy bút viết 8 chữ lớn vào sau lưng bia. Về sau, có người khắc cả 8 chữ vào đấy.
Tào Tháo thấy 8 chữ ấy cũng ghi trên bức bia, bên cạnh bài văn như sau: “Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cửu”.

Tháo hỏi Diễm:

- Nhà ngươi có hiểu ý nghĩa 8 chữ này không?

Nàng thưa:

- Tuy là di bút của cha, nhưng thú thật thiếp cũng không hiểu ý nghĩa ra sao.

Tháo quay lại hỏi các mưu sĩ, mọi người đều chịu không biết. Bấy giờ có quan Chủ bạ là Dương Tu lên tiếng:

- Tôi hiểu ra rồi.

Tu giải:

- Tám chữ đó là ẩn ngữ của Thái Ung. “Hoàng quyến” là lụa màu vàng, tức là màu sắc của tơ (ti sắc), chữ “ti” với chữ “sắc” hợp lại thành chữ “tuyệt”. “Ấu phụ” nghĩa là con gái còn nhỏ, tức là “thiếu nữ”. Chữ “thiếu” đứng bên chữ “nữ” hợp thành chữ “diệu”. “Ngoại tôn” là cháu ngoại. Cháu ngoại tức là đứa con của con gái mình (nữ nhi tử). Chữ “nữ” chắp với chữ “tử” thành chữ “hảo”. “Tê cửu” là cái cối giã hành tỏi. Cái cối là vật chịu cay (thụ tân). Chữ “thụ” đặt bên chữ “tân” thành chữ “từ”. Tóm lại, đó là ẩn chữ “Tuyệt diệu hảo từ”, tức Thái Ung đã hết lời khen tặng văn chương của Hàn Đan Thuần vậy.
Mọi người đều khen Dương Tu tài thức mẫn tiệp.



8 - Tạ Đạo Uẩn 



Cháu gái Tạ An, người xuất hiện trong điển “Vịnh Nhứ Tài”. Tác phẩm tiêu biểu : “Đăng Sơn” 

Nga nga đông nhạc cao, 
Tú cực xung thanh thiên. 
Nham trung gian hư vũ, 
Tịch mịch u dĩ huyền. 
Phi công phục khí tượng, 
Vân cấu thành tự nhiên. 
Khí tượng nhĩ hà nhiên ? 
Toại lệnh ngã lâu thiên. 
Thệ tướng trạch tư vũ, 
Khả dĩ tận thiên niên.

Tạ Đạo Uẩn, con nhà thế phiệt đời nhà Tấn (265-419). 
Tạ Đạo Uẩn lúc nhỏ đã thông minh, học rộng lại có tài biện luận. Nhân một hôm về mùa đông, tuyết rơi lả tả, chú của Tạ Đạo Uẩn là Tạ An ngồi uống rượu nóng có cả hai cháu là Tạ Lãng và Đạo Uẩn ngồi hầu bên. Tạ An liền chỉ tuyết, hỏi: 
- Tuyết rơi giống cái gì nhỉ? 
Tạ Lãng đáp: 
- Muối trắng ném giữa trời. 
Tạ Đạo Uẩn bảo: 
- Thế mà chưa bằng "Gió thổi tung tơ liễu". 
Tạ An khen Tạ Đạo Uẩn là thông minh, nhiều ý hay, tư tưởng đẹp. Ông lại thường chỉ Đạo Uẩn mà bảo các con cháu rằng: 
- Nếu là trai, Tạ Đạo Uẩn sẽ là bực công khanh. 
Tạ Đạo Uẩn sau kết duyên vớI Vương Ngưng Chi, một nhà nho lỗi lạc đương thời. 
Làm vợ họ Vương, Tạ Đạo Uẩn thường thay chồng tiếp khách văn chương, đàm luận thi phú. Nàng tỏ ra là người hoạt bát, thông suốt nhiều vấn đề, lập luận vững chắc làm nhiều tay danh sĩ đương thời phải phục. 
Em chồng của Tạ Đạo Uẩn là Vương Thiếu Chi. Người học giỏi nhưng lập luận kém cỏi, thiếu hoạt bát nên trong khi biện luận thường bị khách áp đảo. Tạ Đạo Uẩn sợ em chồng mất giá trị nên bảo thị tỳ thưa với Thiếu Chi làm một cái màn che lại, nàng sẽ ngồi sau để nhắc Thiếu Chi trong khi biện luận với khách. 
Thiếu Chi nhờ đó mà khuất phục được khách và nổi danh, được nhiều người kính phục. 
Nàng Ban, ả Tạ là hai người phụ nữ có tài danh về thi phú văn chương. Về sau, các nhà văn học thường dùng tiếng "nàng Ban, ả Tạ" để chỉ người phụ nữ tài giỏi, có danh tiếng về văn chương thi phú. 



9 - Võ Tắc Thiên 




Võ Tắc Thiên (武則天) (625 - 16/12/705), tên riêng Võ Chiếu (武曌), là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã lập ra triều đại của riêng mình, nhà Võ Chu (周), và cai trị dưới cái tên Thánh Thần Hoàng Đế ((聖神皇帝) từ 690 đến 705. Việc bà nổi lên nắm quyền cai trị bị các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích mạnh mẽ nhưng các nhà sử học từ sau thập kỷ 1950 đã có cái nhìn khác về bà. 
Gia đình bà có nguồn gốc ở huyện Văn Thuỷ (文水), thuộc quận Tinh Châu (幷州) (hiện nay là thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây). Văn Thủy hiện là một huyện thuộc Lữ Lương Địa Khu (吕梁地區) nằm cách Thái Nguyên 80km về phía tây nam. Cha bà là Võ Sĩ Hoạch (武士彠) (577-635), một thành viên thuộc một gia đình quý tộc danh tiếng ở Sơn Tây, và là một thành viên liên minh của Lý Uyên, người sáng lập ra nhà Đường, khi ông tiến hành chiến tranh giành quyền Lực (chính Lý Uyên cũng thuộc một gia đình quý tộc nổi tiếng ở Sơn Tây). Mẹ bà là Dương Thị (楊氏) (579-670), một phụ nữ thuộc gia đình quý tộc hoàng gia nhà Tuỳ. Võ Tắc Thiên không phải sinh ở Văn Thuỷ, bởi cha bà đảm nhận nhiều chức trách ở nhiều nơi trong suốt cuộc đời. Bà được cho là sinh ở Lợi Châu (利州) hiện là thành phố Quảng Nguyên (廣元市), phía bắc tỉnh Tứ Xuyên, cách Văn Thủy khoảng 800km về phía tây nam, nhưng một số nơi khác cũng được cho là nơi sinh của bà gồm cả thủ đô Trường An. 
Bà được đưa vào hậu cung vua Thái Tông nhà Đường vào khoảng năm 638 (một thời điểm khác có thể là: 636) và là một Tài Nhân (才人), tức là một trong chín người thiếp cấp thứ năm. Vua Thái Tông đặt tên cho bà là Mị (媚), có nghĩa là "duyên dáng, xinh đẹp", và vị nữ hoàng trẻ thường được người Trung Quốc gọi là Võ Mị Nương. (武媚娘). 
Năm 649, Thái Tông chết, và theo thói thường đối với những người thiếp, Võ Mị Nương phải rời cung đình và để vào chùa Phật giáo, nơi bà sẽ phải xuống tóc. Không lâu sau, có lẽ là vào năm 651, bà lại được vua Cao Tông, con của Thái Tông, đưa trở lại hoàng cung bởi vì ông đã sửng sốt trước sắc đẹp của bà khi đi cúng tế cho cha. Vợ vua Cao Tông, người họ Vương (王), đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Võ Mị Nương hòa nhập lại vào cung đình. Nhà vua lúc ấy đang rất sủng ái một người thiếp họ Tiêu (蕭) và hoàng hậu hy vọng rằng khi có một người thiếp đẹp mới nhà vua sẽ thôi chú ý tới người thiếp kia. Các nhà sử học hiện nay đang tranh cãi về câu chuyện lịch sử này, và một số nghĩ rằng Võ Tắc Thiên trên thực tế chưa hề rời khỏi hoàng cung, và rằng có thể bà đã có tình ái với vị thế tử (người sau này là vua Cao Tông) từ trước, khi vua Thái Tông còn đang sống. Dù sự thực thế nào chăng nữa, vẫn chắc chắn rằng tới đầu những năm 650 Võ Tắc Thiên đã là thiếp của vua Cao Tông và bà được gọi là Chiêu Nghi (昭儀), mức cao nhất trong chín cấp bậc của những người thiếp thuộc hàng thứ hai. Việc vị hoàng đế lấy một trong những người thiếp của cha mình, và lại từng là một bà sư như các nhà sử học truyền thống tin tưởng là một cú sốc đối với những nhà đạo đức Khổng giáo. 
Võ Tắc Thiên nhanh chóng bộc lộ tài năng của mình trong việc vận động và lập mưu mẹo. Đầu tiên bà tống người thiếp họ Tiêu khỏi ngáng đường, mục tiêu tiếp sau chính là hoàng hậu. Năm 654, con gái của Võ Tắc Thiên bị giết. Hoàng hậu họ Vương bị nghi ngờ là ở gần phòng của đứa trẻ. Bà bị nghi là đã giết nó vì ghen tuông và sau đó bị hành hình. Truyền thuyết kể rằng Võ Tắc Thiên đã giết chính con của mình, nhưng có lẽ điều này là do các đối thủ của bà và các nhà sử học Khổng giáo bịa ra. Ngay sau đó, bà được hoàng đế phong làm Thần Phi (宸妃), ở thứ bậc cao hơn bốn người thiếp cao nhất và chỉ kém hoàng hậu. Cuối cùng, tháng Mười Một năm 655, hoàng hậu họ Vương bị giáng phong và Võ Tắc Thiên được đưa lên làm hoàng hậu. Sau đó Võ hậu giết Vương hậu cùng người thiếp họ Tiêu một cách tàn bạo - họ bị đập nát chân tay và sau đó tống vào những thùng rượu to để họ còn sống khổ cực thêm ít ngày nữa. 
Sau khi Cao Tông bắt đầu bị giảm sút sức khỏe vì đột quỵ, từ tháng 11, 660, bà bắt đầu cai trị Trung Quốc từ phía sau. Thậm chí sau này bà còn có được quyền lực tuyệt đối khi hành quyết Thượng Quan Nghi (上官儀) và Lý Trung (李忠) vào tháng 1 năm 665, và từ đó bà ngồi sau vị hoàng đế lúc ấy đã câm lặng để coi chầu (có lẽ bà ngồi sau một bức màn phía sau ngai vàng) và đưa ra các quyết định. Bà cai trị dưới tên chồng và sau khi ông chết thì dưới tên của các vị vua bù nhìn tiếp theo (con bà Hoàng đế Trung Tông và sau đó là đứa con khác Hoàng đế Duệ Tông), chỉ thực sự chiếm hẳn quyền lực vào tháng 10 năm 690, khi bà tuyên bố lập ra nhà Chu, lấy tên theo tên thái ấp của Cha bà và muốn sánh ngang với triều đại rực rỡ nhà Chu trước đó thời cổ Trung Quốc mà bà coi gia đình họ Võ có nguồn gốc từ đó. Tháng 12 năm 689, mười tháng trước khi bà chính thức lên ngôi, bà bắt triều đình đưa ra chữ mới Chiếu (曌), cùng với 11 chữ khác để trưng ra quyền lực tuyệt đối của bà và chọn chữ mới này làm tên thánh của mình, sau đó nó thành chữ húy khi bà lên ngôi mười tháng sau. Chữ này được tạo ra từ hai chữ có từ trước là chữ "minh" 明 ở bên trên có nghĩa là "ánh sáng" hay "sự sáng suốt"; chữ "không" 空 ở dưới có nghĩa là "bầu trời". Ý nghĩa của nó ám chỉ rằng bà giống như ánh sáng chiếu xuống từ bầu trời. Thậm chí cách đánh vần của chữ mới này cũng giống hệt như chữ "chiếu" trong tiếng Trung Quốc. Khi lên ngôi, bà tuyên bố mình là Hoàng đế Thánh Thần, người phụ nữ đầu tiên nắm chức "hoàng đế" (皇帝) vốn đã được phát minh ra từ 900 năm trước bởi hoàng đế đầu tiên là Tần Thủy Hoàng. Thêm nữa, bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử 2100 năm của triều đình Trung Quốc được ngồi lên ngôi rồng, và điều này một lần nữa lại gây sốc cho những nhà nho đạo Khổng. 
Lý thuyết chính trị Trung Quốc truyền thống không cho phép một phụ nữ được lên ngôi, Vũ hậu quyết định dẹp yên chống đối và đưa các quan lại trung thành vào triều. Thời cai trị của bà để dấu ấn về sự xảo quyệt tài tình và chuyên quyền hung bạo. Dưới thời cai trị, bà lập ra Cảnh sát mật để đối phó với bất kỳ chống đối nào có thể nổi lên. Bà được hai người sủng thần là anh em Trương Dịch Chi 張易之, và Trương Xương Tông 張昌宗 ủng hộ. Bà lấy lòng dân bằng cách tán thành Phật giáo nhưng trừng trị nghiêm khắc các đối thủ bên trong gia đình hoàng gia và quý tộc. Tháng 10 năm 695, sau nhiều lần thêm chữ, tên của bà được đổi thành Thiên Sách Kim Luân Thánh Thần Hoàng Đế (天冊金輪聖神皇帝), một cái tên đã không bị thay đổi cho tới tận cuối thời cai trị của bà. 
Ngày 20 tháng 2 năm 705, lúc này bà đã hơn tám mươi tuổi và ốm yếu, Võ hậu không thể ngăn chặn một cuộc đảo chính giết hại hai anh em họ Trương. Quyền lực của bà cũng kết thúc ngày hôm đó, bà buộc phải lùi bước, hoàng đế Trung Tông được tái lập, nhà Đường lại tiếp tục từ ngày 3 tháng 3 năm 705. Võ hậu chết chín tháng sau đó, có lẽ bà cũng được an ủi rằng cháu trai của mình Võ Tam Tư (武三思), con người em họ và cũng tham vọng và hấp dẫn như bà, đã gắng sức nhằm trở thành người chủ thực sự của triều đình, kiểm soát vị hoàng đế vừa được tái lập thông qua hoàng hậu của ông ta, người mà ông đã có tình ý từ trước. 
Mặc dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, theo một số nhà sử học, nhà hậu Chu đã có được một hệ thống bình đẳng xã hội về giới tốt hơn so với nhà Đường tiếp sau nó.



10 - Thượng Quan Uyển Nhi 



Thượng Quan Uyển Nhi là cháu gái Thượng Quan Nghi, hiệu xưng Cân Quốc Thủ Tướng, là một trong những phụ nữ tài năng nhất của lịch sử Trung Quốc, cũng là một trong những mỹ nữ hứng chịu nhiều điều bi thảm. 
Ông của Uyển Nhi là Thượng Quan Nghi phò Đường Cao Tông, đã thất bại trong nỗ lực phế truất Võ Tắc Thiên và bị hành hình. Cha của Uyển Nhi cũng bị ép phải tự vẫn. Uyển Nhi và mẹ là Trịnh phu nhân trở thành nô lệ trong cung điện hoàng đế.
Thượng Quan Uyển Nhi xinh đẹp, thông minh mẫn tiệp lạ thường, nàng thông thuộc thi thư, ngâm thơ, viết văn, thấu hiểu chuyện xưa nay. Hoàng đế Võ Tắc Thiên rất ấn tượng với nàng, sau khi lên ngôi liền phong cho Uyển Nhi một chức quan văn chuyên thảo những chỉ dụ, sắc lệnh. Uyển Nhi đem lòng thương yêu một trong những người tình của Võ Tắc Thiên, và khi nữ hoàng họ Võ phát hiện sự việc, bà đã trừng phạt nàng bằng cách khắc hình bông hoa lên trán Uyển Nhi. Tuy nhiên, điều này lại càng làm cho Uyển Nhi thêm quyến rũ hơn.
Uyển Nhi cũng bắt đầu quan hệ tình cảm với Võ Tam Tư, cháu trai Võ Tắc Thiên - sau này trở thành người có quyền lực và ảnh hưởng lớn. Sau khi Võ Tắc Thiên buộc phải thoái vị vì tuổi đã cao, con trai thứ ba của bà là Đường Trung Tông trở thành hoàng đế, khôi phục lại triều Đường, chấm dứt triều đại nhà Chu ngắn ngủi. 
Vợ của Đường Trung Tông là Vi Hậu cũng dan díu với Võ Tam Tư. Để tránh những rắc rối, Võ Tam Tư đã quyết định tiến cử Thượng Quan Uyển Nhi với Trung Tông.
Trung Tông đã có thời gian dài tiếp xúc với Uyển Nhi, hiểu rõ sắc đẹp và tài năng của nàng, và rất sủng ái Uyển Nhi, nàng trở thành một trong những ái phi của Trung Tông. Quyền lực của Uyển Nhi ngày một lớn ở chốn hậu cung, nhưng vẫn duy trì chức quan văn trong hoàng cung - một sự nghiệp chưa từng có với một phi tần. Thượng Quan Uyển Nhi và Vi Hậu vẫn duy trì cuộc tình tay ba cùng Võ Tam Tư.
Trung Tông là một người đàn ông bạc nhược, không dám đối mặt với vợ và chỉ im lặng trước mọi lời đồn đại. Vi Hậu ngày càng khao khát được tiếp bước Võ Tắc Thiên. Mong muốn của Vi Hậu được con gái là công chúa An Lạc và Thượng Quan Uyển Nhi khuyến khích. Trở ngại chính của họ lúc này là Thái tử Lý Trùng Tuấn. Cả ba người bấy giờ đều khẳng định quyết tâm loại bỏ Trùng Tuấn, thành lập triều đại riêng dưới sự trị vì của Vi Hậu.
Công chúa An Lạc rất được Trung Tông cưng chiều vì xinh đẹp và khéo ăn nói. An Lạc bắt đầu dèm pha Lý Trùng Tuấn và muốn trở thành người nối ngôi vua cha. Trung Tông lưỡng lự nhưng rồi rốt cuộc đã từ chối An Lạc vì nghe theo lời khuyên của Tể tướng đầu triều. An Lạc sau đó bắt đầu thù ghét cha. Lý Trùng Tuấn nhận thấy rõ tình thế nguy hiểm của mình, đã thực hiện cuộc binh biến năm 707 với sự giúp đỡ của tể tướng và một số đại thần.
Lí Trùng Tuấn tuyên bố nhận được mật lệnh của vua Trung Tông rằng, Võ Tam Tư và Thượng Quan Uyển Nhi âm mưu giết vua, đem theo 300 lính ngự lâm quân tới nơi ở của Võ Tam Tư, giết chết Võ Tam Tư và hơn 10 kẻ hầu người hạ khác. Công chúa An Lạc may mắn thoát thân vì đang ở cung hoàng đế. Nhưng Trùng Tuấn đã tự mình dẫn theo lính tới cung vua, tìm Vi hậu và An Lạc. Công chúa An Lạc được Trung Tông che chở an toàn ở Cửa Huyền Vũ, khi Trùng Tuấn đến nơi thấy Trung Tông ngồi ở trên thành cùng Thượng Quan Uyển Nhi. Uyển Nhi sợ vua nghe theo lời con bèn nói: "Thiếp tin là đầu tiên hắn muốn bắt thiếp, sau đó là hoàng hậu và cuối cùng là cả hoàng đế’’.
Trung Tông tin theo, bèn ra lệnh ngăn chặn cuộc binh biến của Lý Trùng Tuấn. Một hoạn quan khá nổi tiếng về lòng dũng cảm đã dẫn đầu đội ngự lâm quan tấn công Trùng Tuấn, giết chết tướng chỉ huy. Lính tham gia binh biến bắt đầu nao núng. Vua Trung Tông bấy giờ ban chỉ dụ thu phục quân lính tham gia đội binh biến. Bấy giờ, ngự lâm mới biết không phải Trung Tông ra lệnh giết Võ Tam Tư cùng bè đảng, bèn quay giáo giết các tướng chỉ huy. Trùng Tuấn trốn khỏi Trường An với vài trăm người thân tín, nhưng rồi bị một kẻ dưới quyền giết chết khi đang ngủ. 
Vi Hậu bấy giờ quyết định gia tăng thanh thế của mình, phong tước vị cho rất nhiều con cháu thân thuộc với âm mưu thay thế triều Đường bằng một triều đại của riêng mình. Công chúa An Lạc, sau cái chết của chồng ở vụ binh biến, đã tái hôn, và dan díu với con chồng cùng nhiều người khác như một nhà sư, một thái y, một đầu bếp hoàng gia...
Trung Tông bắt đầu không thể chịu nổi cuộc sống phóng đãng của vợ và con gái, năm 710 quyết định phế truất Vi Hậu. Khi biết điều này, Vi Hậu và công chúa An Lạc âm mưu giết vua. Thái y chuẩn bị thuốc độc, đầu bếp trộn thuốc vào những chiếc bánh bao chế biến hấp dẫn, công chúa tự mình dâng vua món ăn. Hoàng đế Trung Tông sau khi ăn bánh bao đã qua đời.
Thượng Quan Uyển Nhi đã ép Trung Tông lập chiếu nhường ngôi cho con thứ tư của một phi tần là Lý Trọng Mậu (Thiếu Đế) tuổi còn nhỏ. Vi Hậu trở thành người nắm giữ triều chính với tư cách Hoàng Thái Hậu nhiếp chính. 
Sau này, Lý Đán lên ngôi, phế truất Lý Trọng Mậu. Vi Hậu, công chúa An Lạc và Thượng Quan Uyển Nhi bị giết chết.
Cuộc đời của Thượng Quan Uyển Nhi, theo những sử gia Nho giáo, là ví dụ nổi trội cho một hình mẫu phụ nữ tài năng nhưng phóng đãng. Mối quan hệ phức tạp của Thượng Quan Nhân với Võ Tam Tư (người tình), Vi Hậu (đồng minh và tình địch), Trung Tông (hoàng đế và chồng) có lẽ luôn bị coi là trái luân thường đạo lý, là đầy rẫy âm mưu. Nhưng cũng cần đề cập tới một thực tế là, mọi điều có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu Vi Hậu và công chúa An Lạc bắt đầu một triều đại mới kiểu ’’gia đình trị’’ họ Vi mà không có sự can thiệp của nhiều thế lực khác, trong đó có Thượng Quan Uyển Nhi.



11 - Ban Tiệp Dư



Nàng họ Ban, không biết tên, vốn là một cung phi của vua Thành Đế nhà Hán (32-8 trước C.N.). Nàng làm nữ quan, chức Tiệp Dư nên thường gọi nàng Ban Tiệp Dư.
Nàng đẹp, duyên dáng, được nhà vua sủng ái.
Nhưng sau, nhà vua say mê Triệu Phi Yến. Bị nàng này gièm pha, nàng Ban sợ nguy cho thân nên xin vua cho hầu bà Thái Hậu ở cung Trường Tín. Từ đó, sự sủng hạnh của vua đối với nàng ngày càng phai lần.
Tủi cho thân phận lâm cảnh phũ phàng, nàng buồn bã, lấy một thứ lụa bát tơ trắng gọi là Tề Hoàn (lục nước Tề) do nàng tự dệt lấy và làm thành một cây quạt tròn. Trên quạt, nàng đề một bài thơ để tự ví thân phận mình:

Mới chế lụa Tề trắng.
Trong sạch như sương tuyết.
Đem làm quạt Hợp Hoan,
Tròn hin giống mặt nguyệt
Ra vào trong tay vua,
Lay động sinh gió mát.
Thường sợ tiết thu đến,
Gió mát cướp nồng nhiệt,
Ném cất vào xó rương,
Nửa đường ân ái tuyệt.

Nguyên văn:

Tân chế Tề Hoàn tố,
Hạo khuyết như sương tuyết.
Tài thành Hợp Hoan phiến,
Đoàn đoàn tự minh nguyệt.
Xuất nhập quân hoài tụ,
Động đạo vi phong phát
Thường khủng thu tiết chí
Lương viêm đoạt viêm nhiệt.
Khí nguyên giáp tư trung,
Ân tình trung đạo tuyệt.

Nàng cung nữ họ Ban ấy tự ví mình như cây quạt Hợp Hoan đã từng được nhà vua nâng niu yêu chuộng. Nhưng rồi lại ném cất vào xó rương, vì gió thu mát đã cướp mất gió mát của quạt rồi. Thế là mối tình nửa đường đoạn tuyệt. Nhà vua nỡ say đắm kẻ khác, nghe lời gièm pha để nàng chịu nỗi duyên phận bẽ bàng.
Vương Xương Linh, một thi hào danh tiếng đời Đường (617-907) cảm xúc nỗi duyên phận ghẻ lạnh của nàng cung phi họ Ban, mà đây cũng là số kiếp chung của khách hồng nhan vô phúc sa vào cung cấm, nên có làm 3 bài, đề là "Trường Tín thu từ" để vịnh nàng:

I
Giếng ngọc cành khô rụng lá vàng,
Buông rèm đêm đã lạnh hơi sương.
Lò hương, gối ngọc vô duyên quá,
Lắng giọt đồng rơi xiết đoạn trường.
(Bản dịch của Lam Giang)
Nguyên văn:

Kim tỉnh ngô đồng lạc diệp hoàng,
Chu liêm bất quyển dạ lai sương.
Huân lung ngọc chẩm vô nhan sắc,
Ngọa thích Nam cung xuân lậu trường.

II
Ban mai quét tước mở đền vàng,
Nâng quạt nhìn thôi luống thở than.
Mặt ngọc không bằng con quạ rét,
Nó còn sưởi nắng điện Chiêu Dương.

Nguyên văn:

Phụng chửu bình minh kim điện khai
Thả tương đoàn phiến tạm bồi hồi.
Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc,
Do đái Chiêu Dương nhật ảnh lai.

III
Đã đành phận bạc, ôi đau đớn,
Thấy vua trong mộng, tỉnh nhớ nhung.
Tây cung rộn rực đêm yến tiệc,
Mơ màng nhớ lúc được vua ban.

Nguyên văn:

Chân thành bạc mệnh cửa tầm tư,
Mộng kiến quân vương giác hậu nghi.
Họa chiếu Tây cung tri dạ ấm,
Phân minh phức đạo phụng ân thì.

Ba bài theo điệu nhạc phủ. Tác giả tả tâm trạng u hoài của Ban Tiệp Dư: nỗi buồn đêm thu, mối buồn sáng thu lại mối sầu đêm thu.
Đêm trước u buồn, sáng dậy bâng khuâng, đêm đến sầu não, cả ba bài đều cực tả một nỗi buồn tha thiết. Mà nỗi buồn ấy mãi vương vấn, không bao giờ chịu buông tha người bạc mệnh ở lãnh cung.
Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, đoạn thuật lời thán oán của nàng cung phi trong cung cấm, có câu:

Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.

"Gấm nàng Ban" lấy ở điển tích trên.



12 - Chân Hoàng Hậu 



Sau khi Tào Phi xưng đế, sủng hạnh Quách hoàng hậu, Quách hậu cậy đắc sủng nên gièm pha Chân hoàng hậu, từ đó Chân hoàn hậu thất sủng. Sau khi bị vua bỏ lơ không nói đến, từ “Đường Thượng Hành” có thể đọc thấy được lòng tương tư cực chí của một người vợ đối với trượng phu, một lòng thâm tình vô hối. Sự chờ đợi của Chân hoàng hậu đáng thương cuối cùng chỉ là một tờ giấy chết của Tào Phi. Thậm chí sau khi chết, thi thể phải lấy tóc che mặt, lấy trấu lấp miệng, chịu nỗi khổ vũ nhục và lăng ngược.

Đường Thượng Hành

Bồ sinh ngã trì trung, kỳ diệp hà li li.
Bàng năng hành nhân nghĩa, mạc nhược tiếp tự tri.
Chúng khẩu thước hoàng kim, sử quân sinh biệt li.
Niệm quân khứ ngã thời, độc sầu thường khổ bi.
Tưởng kiến quân nhan sắc, cảm kết thương tâm ti.
Niệm quân thường khổ bi, dạ dạ bất năng mị.



13 - Hoa Nhị Phu Nhân 



Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn từng ngưỡng mộ tài danh của Hoa Nhị Phu Nhân. Hoa Nhị Phu Nhân là Phí Quý Phi của Hậu Thục Hậu Chủ - Mạnh Xưởng, xuất thân là 1 ca kỹ ở Thanh Thành (nay ở phía Đông Nam thành phố Giang Yển). Tương truyền “Hoa Nhị Phu Nhân Cung Từ” có hơn 100 biến, trong đó thật ra chỉ có hơn 90 biến. Khi Tống diệt Hậu Thục, chỉ dùng có 1 vạn quân, 14 vạn quân Hậu Thục không chiến mà hàng, Hoa Nhị Phu Nhân theo Mạnh Xưởng lưu vong về phương bắc, đêm nghỉ ở Gia Minh dịch trạm, cảm hoài nỗi buồn nước mất nhà tan, đề lên vách quán bài “Thái Tang Tử”. Nhưng vì quân kỵ thôi thúc nên bị mất hết một nửa, cứ viết được 1 chữ lại rơi lệ.



14 - Hầu Phu Nhân 



Tùy Dạng Ðế Dương Quảng tại vị, quảng cáo cao lâu, bắt hàng ngàn thiên hạ mỹ nữ nhốt vào trong ðó, Hầu Phu Nhân chính là 1 trong số hàng ngàn cung nữ đó mà suốt cả cuộc đời cũng chưa hề gặp được Tùy Dạng Ðế, cuối cùng tự ải mà chết.



15 - Tiết Đào



Nữ thi nhân thời Đường, người gọi là Nữ Hiệu Thư, từng xướng họa cùng thi nhân nổi tiếng đương thời Nguyên Trẩn, thực lực không thua kém. Tác phẩm tiêu biểu : Ngô Đồng Thi (làm khi mới 8 tuổi) 

Đình trừ nhất cổ đồng, 
Tủng cán nhập vân trung, 
Chi nghênh nam bắc điểu, 
Diệp tống vãng lai phong. 

Tiết Đào (770-832), tự Hồng Độ. Cha Tiết Vân là một viên tiểu lại ở kinh đô, sau loạn An Sử dời đến ở Thành Đô, Tiết Đào sinh vào năm thứ 3 Đại Lịch thời Đường Đại Tông. Lúc còn nhỏ đã thể hiện rõ thiên phú hơn người, 8 tuổi đã có thể làm thơ, cha từng ra đề “Vịnh Ngô Đồng”, ngâm được 2 câu “Đình trừ nhất cổ đồng, tủng cán nhập vân trung”; Tiết Đào ứng thanh đối ngay : “Chi nghênh nam bắc điểu, diệp tống vãng lai phong”. Câu đối của Tiết Đào như dự đoán trước mệnh vận cả đời của nàng. Lúc 14 tuổi, Tiết Vân qua đời, Tiết Đào cùng mẹ là Bùi Thị nương tựa nhau mà sống. Vì sinh kế, Tiết Đào bằng dung mạo và tài năng hơn người tinh thi văn, thông âm luật của mình bắt đầu đến các nơi ăn chơi hoan lạc, rót rượu, phú thi, đàn xướng hầu khách nên bị gọi là “Thi Kỹ”. 
Thời Đường Đức Tông, triều đình mời Trung thư lệnh Vĩ Cao làm Tiết độ sứ Kiếm Nam, thống lược Tây Nam, Vĩ Cao là một quan viên nho nhã cũng có tài thơ văn, ông nghe nói về tài năng xuất chúng của Tiết Đào mà còn là hậu nhân của quan chức triều đình, liền phá lệ mời nàng dùng thân phận nhạc kỹ đến Soái Phủ đãi yến phú thi, Tiết Đào trở thành Doanh Kỹ nổi tiếng ở Thành Đô (Nhạc kỹ chính thường được mời đến các cuộc vui chơi của võ quan trấn thủ các nơi). Sau 1 năm, Vĩ Cao mến tài Tiết Đào, chuẩn bị tấu xin triều đình để Tiết Đào đảm nhiệm quan chức Hiệu Thư Lang, tuy chưa kịp thực hiện nhưng danh hiệu “Nữ Hiệu Thư” đã không kính mà đến, đồng thời Tiết Đào cũng được gọi là “Phụ Mi Tài Tử”. Về sau, Vĩ Cao vì trấn thủ biên cương có công nên được phong làm Nam Khang Quận Vương, rời khỏi Thành Đô. Lý Đức Dụ tiếp nhiệm Kiếm Nam Tiết Độ Sứ cũng rất ngưỡng mộ tài năng của Tiết Đào. Trong suốt cuộc đời của Tiết Đào, Kiếm Nam Tiết Độ Sứ tổng cộng có 11 người thay phiên đảm nhiệm, người nào cũng vô cùng thanh lãi và kính trọng nàng, địa vị của nàng đã vượt xa một tuyệt sắc hồng kỹ tầm thường.


16 - Chu Thục Chân 



Nữ từ nhân nổi tiếng thời Đường, hiệu xưng U Thê Cư Sĩ, được biết là một tài nữ người ở Tiền Đường thời Tống, thi từ đều giỏi, đương thời chỉ có nàng mới xứng tề danh với Lý Thanh Chiếu. Tác phẩm tiêu biểu có “Đoạn Trường Tập” và “Đoạn Trường Từ” được lưu truyền, nổi tiếng nhất là “Điệp Luyến Hoa”. 
Chu Thục Chân có cuộc đời khá u sầu. Nguyên nàng có một ý trung nhân lý tưởng, cũng là người tài hoa mà nàng tự quen biết. Nhưng phụ mẫu không cho phép nàng kết hôn với ý trung nhân của mình, mà gả nàng cho 1 thương nhân. Chồng nàng là người chỉ biết kiếm tiền, đối với thi từ và tranh vẽ của nàng đều không có hứng thú, vì vậy mà cuộc sống của nàng lúc nào cũng đầy u sầu và tẻ nhạt.



17 - Quách Ái



Vì sự ích kỷ của các đời đế vương, quản thúc mỹ nữ, nhốt trong hậu cung đã làm hại thanh xuân, hạnh phúc và tính mệnh của biết bao thiếu nữ. Nếu có kiếp sau, chắc chắn họ sẽ hy vọng được gả vào một nhà bình thường, trên còn phụ mẫu, dưới có nhi nữ, họ cũng cam tâm tình nguyện đắm chìm trong ngọn lửa yêu thương của thê chức mẫu chức trên nhân gian, tháng năm dần qua cho đến một ngày kia họ lạc hạ hoàng tuyền, tức là kiếp này đã dứt.
Các cung nữ triều nhà Minh đa phần đều xuất thân từ các gia đình thanh bạch trong chốn kinh thành. Một khi được chọn vào cung thì họ như con chim trong lồng, khó lòng mà gặp lại người thân nữa. Hơn nữa những năm đầu triều Minh vẫn còn áp dụng chế độ tuẫn táng tàn bạo của triều Nguyên trước. Khi Minh Tuyên Tông mất, cung nữ Quách Ái được lệnh phải tuẫn táng khi nàng chỉ vào cung mới được 20 ngày. “Tuyệt mệnh từ” là tác phẩm nàng viết trước lúc chết, câu câu đều chứa chan nước mắt thể hiện sự sinh tử biệt ly với cha mẹ

Tuyệt mệnh từ

Tu đoạn hữu số hề, bất túc giảo dã
Sinh nhi như mộng hề, tử giả giác dã
Tiên ngô thân nhi qui hề, tàm dư chi thất hiếu dã.
Tâm thê thê nhi bất năng dĩ hề, thị tắc khả điệu dã.



18 - Liễu Như



Là kỹ nữ nổi tiếng cuối đời Minh, tên thật là Dương Ái
Sau Liễu Như Thị gả cho Tiền Khiêm Ích, là 1 danh sĩ đương thời. Nếu so với tuổi tác Trần Tử Long và Liễu Như Thị thì Tiền Khiêm Ích đáng làm bậc trưởng bối, nhưng xét về học vấn cao thâm uyên bác thì Tiền Khiêm Ích lại hơn hẳn Trần Tử Long. Liễu Như Thị tuy đôi lúc có nhung nhớ Trần Tử Long nhưng nghĩ đến sự ân ái yêu thương của chồng thì nàng lại trấn tĩnh. Tuy ẩn cư nhưng đôi vợ chồng này lại rất quan tâm đến thế sự. Bấy giờ Lý Tự Thành trong làm phản, lãnh đạo nghĩa quân chống lại triều đình, ngoài thì quân Thanh lâm le xâm lược. Trần Tử Long chẳng những không hiềm khích với Tiền Khiêm Ích mà còn hăng hái tiến cử Ích ra làm quan cứu đời. Khi Lý Tự Thành chiếm lấy Bắc Kinh, lật đổ nhà Minh thì tấm lòng chống phản quân của đội vợ chồng Tiền Khiêm Ích và Liễu Như Thị lại hóa thành lòng yêu nước chống quân Thanh xâm lược. Cuộc đời Liễu Như Thị từng tiếp xúc với 2 thi nhân nổi tiếng đương thời là Trần Tử Long, Tiền Khiêm Ích, thật là làm rạng danh quần thư, không nhượng phe tu mi.



19 - Lý Sư Sư



Những câu chuyện về Lý Sư Sư tuy không thấy trong chính sử, nhưng trong dã sử hay các thoại bản dân gian thì có thể thấy rất đầy đủ và sinh động. Trong "Thuỷ Hử Truyện", tác giả sách này đã viết về Lý Sư Sư với quan hệ mật thiết tới việc chiêu an các anh hùng Lương Sơn Bạc, và nhờ vậy mà cô đã trở thành một nhân vật phong lưu tột bực trong những năm Chính Hoà thời Tống Huy Tông. Về sau, cô lại trở thành một hình mẫu đặc thù cho các văn nhân mượn để châm biếm những ông vua hoang dâm vô độ. Sử Mộng Lan đời Thanh có bài thơ: "Vi Tống diễm đề từ" (Đề từ cho bức tranh người đẹp đời Tống) như sau:

Tống sử cao tiêu đạo học danh,
Phong lưu thiên tử khước đa tình.
An An Đường dữ Sư Sư Lý,
Tận đắc thừa ân nhập cấm thành.

(Tạm dịch:

Tống sử nêu cao người học đạo,
Phong lưu thiên tử cũng đa tình.
An An Đường với Sư Sư Lý,
Đều được ơn vua đến Cấm thành.)



20 - Trần Viên Viên 



Khởi đầu của Trần Viên Viên khá giống mỹ nhân Trương Lệ Hoa đời Nam Bắc triều, Trần Viên Viên cũng xuất thân từ một gia đình lao động nghèo hèn tại thôn Thái Nguyên. Viên Viên lẽ ra mang họ Hình, nhưng là con nuôi của gia đình họ Trần nên lấy họ cha mẹ nuôi và trở thành dưỡng nữ của họ, rồi sau đó đến Tô Châu làm ca kỹ. Viên Viên vốn có sắc đẹp hơn người, xinh đẹp hơn cả hai cô công chúa Trường Bình và công chúa Chiêu Ân con vua Sùng Trinh lúc bấy giờ, thông thạo đàn hát nên có rất nhiều nam nhân đến xem nàng biểu diễn. Trong số đó có Điền Văn là một phú hộ có thế lực rất lớn do con của ông ta là quý phi được Sùng Trinh sủng ái. Điền Văn trong một dịp tình cờ thưởng thức tài nghệ của Viên Viên và bỏ ra một số tiền lớn để mua nàng về.
Trần Viên Viên từ khi gặp được Ngô Tam Quế, một danh tướng của Sùng Trinh tại phủ của Điền Văn thì cả hai đã phải lòng nhau. Có thể nói nguyên nhân khiến Ngô Tam Quế phản quốc khiến cho sụp đổ cả một vương triều Đại Minh phần lớn đều do Trần Viên Viên mà ra. Sự chuyển biến quan trọng đó là việc Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành bắt giữ khiến Ngô Tam Quế sau nhiều lần suy tính, cuối cùng thỏa hiệp với Đa Nhĩ Cổn mở đường cho quân Thanh vào Sơn Hải quan thẳng tiến đến Bắc Kinh. Toàn bộ sự việc như sau:
Ngô Tam Quế vốn yêu thích Trần Viên Viên khi nàng đang là ái thiếp của Điền Văn, nhân cơ hội Điền Văn lo sợ nghĩa quân Lý Tự Thành vây đánh cướp bóc gia trang của mình nên ông hứa sẽ bảo vệ Điền Văn, của cải và gia quyến được an toàn, đổi lại ông muốn Viên Viên thuộc về mình.
Khi đã có Trần Viên Viên, Ngô Tam Quế lại phải tiếp nhận thánh chỉ dẫn quân ra quan ải chặn đường quân Thanh. Lý Tự Thành thừa cơ hội bắt giữ gia quyến của Ngô Tam Quế và luôn cả nàng Viên Viên mang đi. Trong khi đó vua Sùng Trinh chỉ còn biết cách dối gạt ông và bịa chuyện Viên Viên đang dưỡng bệnh tại hậu viên tránh tiếp xúc người ngoài.
Lý Tự Thành khi ấy đã tự phong mình là Đại Thuận Đế, tiến quân đến Sơn Hải quan và dùng gia quyến của Ngô Tam Quế làm điều kiện buộc ông quy hàng. Tuy nhiên, sau khi lật đổ nhà Minh, Lý Tự Thành sau đó lại cố chấp không thả người còn giết hết cả nhà Ngô Tam Quế gồm cha mẹ và anh chị em hơn ba mươi người (nhưng trong đó không có Trần Viên Viên). Việc làm này khiến Ngô Tam Quế căm giận và về quy hàng nhà Thanh.
Liên minh Ngô Tam Quế - Đa Nhĩ Cổn nhà Thanh tổ chức nhiều đợt tấn công, đẩy lùi nghĩa quân Lý Tự Thành về Cửu Cung Sơn, Lý Tự Thành trúng tên bị thương nặng và qua đời.
Khi nhà Thanh chiếm được Trung Nguyên thì Trần Viên Viên gửi mật thư cho Ngô Tam Quế để ông đến đón nàng tại một thôn làng xa xôi nơi nàng lánh nạn. Tiếc thay hạnh phúc không được bao lâu thì Ngô Tam Quế rắp tâm làm phản mặc cho Viên Viên hết lời can ngăn. Ông lui quân về Hồ Nam, nơi mình được phong vương rồi chiêu binh mãi mã, tự đế lấy hiệu Chiêu Võ. Viên Viên quá bất mãn xuất gia đi tu và chết trong lúc Ngô Tam Quế lập quốc xưng vua. Lúc bấy giờ Khang Hi đã lên ngôi, thông minh sáng suốt, nhờ nhiều mưu thần người Mãn và các quan người Hán đã qui thuận tiếp sức, một mặt vừa lo đối phó với gian thần Ngao Bái, mặt khác tăng cường nhiều trận đánh khiến quân Ngô Tam Quế kinh hoàng. Quân Thanh vây kín thành Nhạc Châu, Ngô Tam Quế khi ấy thất thế chỉ biết rượu chè say sưa rồi một hôm trúng gió qua đời, nhà Thanh đại thắng.



21 - Lý Thanh Chiếu 



Lý Thanh Chiếu, người Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Bà là con gái của học giả kiêm nhà viết tản văn Lý Cách Phi, mẹ bà cũng là người thông thạo văn chương. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với thái học sinh Triệu Minh Thành (1801 - 1129), là một nhà khảo chứng kim thạch học nổi tiếng và là con trai Tể tướng Triệu Đĩnh. Cưới xong, chồng bà đi làm thái thú ở Lai Châu, Truy Châu, bà được đi theo.
Trong cảnh giàu sang quyền quí, mỗi khi rảnh việc quan, hai vợ chồng cùng nhau xướng họa thơ văn, thu thập chỉnh lý sách vở, họa phẩm, các áng văn trên đá, trên đồng...
Năm 1127 quân nhà Kim chiếm Khai Phong, bắt giữ cả hai vua nhà Tống là Thượng hoàng Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, nam bắc Hoàng Hà lần lượt rơi vào tay quân Kim, nhiều quan lại trong triều đình nhà Tống phải chạy xuống phía nam, vợ chồng bà cũng chạy xuống phía nam Hoài Hà.
Trong lúc loạn lạc, Triệu Minh Thành được lệnh làm thái thú Hồ Nam, nhưng trên đường đi nhậm chức thì bị cảm và chết ở Kiến Khang (nay là Nam Kinh). Chồng bà ốm chết mà quân Kim cứ tràn xuống tấn công, khiến bà cũng như triều đình nhà Tống cứ phải nay đây mai đó. Hàng châu, Việt Châu, Đài Châu, Kim Hoa...là những vùng miền bà đã lần lượt trải qua, sống một mình trong cảnh cô tịch, khốn đốn cho đến khi già yếu rồi qua đời.



22 - Tả Phấn 



Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nghe tiếng em gái thi nhân Tả Tư là Tả Phấn có tài năng hơn người nên lập tức tuyển vào cung, Tả Phấn vì tài đức siêu quần nên ngày ngày được đế vương cùng quần thần tán thưởng, được phong làm người coi giữ hậu cung. Hiềm nổi ngư sắc hoang đường Tư Mã Viêm là một trong số các đế vương vô sỉ vô vi của lịch sử, Tả Phấn được phong là Quý Phi, bất quá là do Tư Mã Viêm vì cái hư danh trọng hiền đãi sĩ, trong “Tấn Thư” gọi Tả Phấn là “Tư lậu thể luy, thường cư bạc thất” (thân thể gầy yếu, ở nhà đạm bạc). “Trác Mộc Thi” là tác phẩm mà trong đó, Tả Phấn tả lại cuộc sống đạm bạc của mình.



23 - Hoàng Nga



Cô này mình không có thông tin, bạn nào có thì bổ sung nhé




24 - Vệ Tử Phu 



Nổi tiếng khắp thiên hạ vì mái tóc đen và đẹp
Trong lịch sử Trung Quốc, có nhiều hoàng hậu xuất thân từ cửa nhà nghèo, dân chúng bần hàn. Đương nhiên, để cưới được những phụ nữ này, hoàng đế phải là những người tự chủ cao. Vệ Tử Phu hoàng hậu của Hán Vũ Đế vốn là ca nữ trong nhà công chúa, được sử sủng ái mến yêu của Vũ Đế mà một bước làm chủ hậu cung. Hoàng hậu Triệu Phi Yến của Hán Thành Đế, xuất thân nghèo túng, sống bằng nghề ca múa, có sắc đẹp tuyệt vời và tài ca múa cao siêu. Khi Hán Thành Đế muốn lập Triệu Phi Yến làm hoàng hậu, thái hậu không đồng ý, chê Phi Yến gia cảnh bần hàn, nhưng Thành Đế chung tình với Phi Yến, vẫn quyết chí lấy nàng làm vợ. Thái hậu không biết làm thế nào, bèn phong cho cha của Phi Yến làm Thành Dương Hầu, Phi Yến trở thành con gái hầu tước. Tuy nhiên, với tài sắc xuất chúng, Phi Yến đã chinh phục trái tim cô độc và tham sắc của hoàng đế, và được sắc phong hoàng hậu chỉ sau vài tháng làm thân phận hầu nữ.



25 - Ngư Huyền Cơ



Dịch cầu vô giá bảo, nan đắc hữu tình lang. 
(Bảo vật vô giá dễ tìm, khó kiếm được người xứng đôi) 

Ngư Huyền Cơ sanh trong thời Đường Võ Tông . Ngư Huyền Cơ rất thích đọc sách và rất thông minh , 5 tuổi đã biết ngâm thơ , 7 tuổi đã biết làm văn.



26 - Đổng Ngạc Phi



Người thân yêu nhất của Thuận Trị Ðế, cái chết của bà đến nay vẫn là một kì án của triều Đại Thanh không có lời giải đáp. Sau khi bà mất Thuận Trị bỏ đi tu, để lại đất nước cho cậu bé Khang Hi và cũng mở ra một trong những trang sử huy hoàng nhất của Đại Thanh triều



27 - Hồng Phất Nữ



Phong trần tam hiệp - Trương Hồng Phất, ái thê của Lý Tịnh, một cô gái thông minh và giản dị.



28 - Chương Đức Đậu ( Hán Hoàng Hậu)



Hán hoàng hậu.Chương Đức Đậu là hoàng hậu của đời Đông Hán, là một vị hoàng hậu xen vào trong chuyên triều chính . Bà ta rất đẹp nhưng rất thủ đọan.



29 - Đặng Tuy (Hán Hòa Hy hoàng hậu)





30 - Lý Hương Quân 





31 - Triệu Phi Yến



Triệu Phi Yến tên thật là Triệu Nghi Chủ (do có tài múa rất hay, điệu múa nhẹ nhàng uyển chuyển như bay như lượn tựa chim yến nên gọi là Phi Yến), là một trong hai đại mỹ nhân của triều đại nhà Hán bên cạnh người đẹp Vương Chiêu Quân. Nàng là người có liên quan đến một giả thuyết về xuất xứ của tục bó chân.
Dưới đời Hán Thành Đế, Triệu Phi Yến được phát hiện ra trong một dịp vua do muốn tìm mỹ nhân trong thiên hạ, tình cờ ngự giá sang phủ của công chúa Dương A. Vua sửng sốt trước vẻ đẹp kiều diễm của bà vì lúc ấy Phi Yến chỉ vừa mười tám tuổi, giọng nói thánh thót nhẹ nhàng khiến vua say đắm
Trái ngược với đại mỹ nhân Vương Chiêu Quân là một cô gái hy sinh vì nước để giữ gìn sự trinh trắng của mình, Phi Yến trước khi về với Hán Thành Đế đã từng là một người phụ nữ lẳng lơ, sau này người ta cho rằng do bà nhiều lần ăn nằm với tình lang của mình rồi mới về với vua, nên trong đêm ân ái đầu tiên với Hán Thành Đế, Triệu Phi Yến đã dùng thủ đoạn "lạc hồng" tức là để nhiều dấu máu tươi trên gối khiến vua ngỡ Phi Yến còn giữ được "ngọc tiết" nên càng sủng ái hơn (thật ra đó chỉ là một loại nước màu đỏ giống như máu). Triệu Phi Yến nhanh chóng chiếm được chiếc ghế quyền lực Hoàng Hậu không lâu sau đó.
Phi Yến do được Dương A công chúa đưa vào cung với mục đích lấy lòng vua và củng cố địa vị của mình. Nhưng qua một thời gian chung sống với vua do không có con nên bà đã cùng với Dương A tìm cách đưa em gái Phi Yến là Hợp Đức vào cung tiến vua, hy vọng Hợp Đức sẽ mang long thai và Phi Yến nhanh chóng có được quyền lực.
Hậu cung dưới đời vua Hán Thành Đế từ khi có mặt của chị em họ Triệu thì trở nên rối ren, sóng gió, tranh giành đẫm máu. Triệu Phi Yến đơn thuần chỉ là một cô gái đẹp, muốn lấy lòng vua và ham mê quyền lực trong khi người em gái Triệu Hợp Đức về nhan sắc không hề thua chị, nhưng cực kỳ mưu mô và độc ác. Hai chị em họ đã:
Tìm mọi cách thuyết phục vua để thăng chức cho Phi Yến làm Triệu Chiêu Nghi, còn Hợp Đức làm Triệu Tiệp Dư.
Thừa lúc Hứa Hoàng Hậu bí mật cúng vái để đổ tội cho Hoàng Hậu dùng tà thuật hại vua và kết quả là Hoàng Hậu bị phế ngôi, giam lỏng ở lãnh cung.
Giở trò hù dọa khiến Ban Tiệp Dư, cũng là một tuyệt sắc mỹ nhân trong cung, sợ bị hại như Hoàng Hậu nên phải trốn đi.
Khi đã lên ngôi hoàng hậu, Phi Yến nghe lời Hợp Đức giết hại luôn một mỹ nhân họ Tào đang mang long thai và giết luôn số cung nữ hầu cận mỹ nhân đó.
Sự việc sau cùng mà Hán Thành Đế phát hiện ra thủ đoạn xấu xa của chị em Phi Yến nhưng cũng đã muộn khi ông lén lút chăn gối với một mỹ nhân khác mang họ Hứa và hạ sinh một hoàng tử trắng trẻo, tuy nhiên do Hợp Đức nài nỉ quá nên vua đã mang thái tử cho Hợp Đức ẵm, rồi hoàng tử nhỏ chết ngay sau khi hồi cung. Người ta cho rằng Hợp Đức đã tẩm độc trong đầu ngón tay và cho hoàng tử bú nút ngón tay ấy.
Hán Thành Đế bản tính nhu nhược, không dám trị tội hai chị em mỹ nhân mà chỉ tìm cách đề phòng để rồi sau đó lâm bệnh và băng hà. Chị em Triệu Phi Yến không còn chỗ đứng, thế lực của Vương Mãn, Vương Thái Hậu ngày càng mạnh. Nếu như Vương Mãn trước kia từng thừa dịp Phi Yến - Hợp Đức tác oai tác quái trong hậu cung khiến cho nhà Hán ngày càng suy yếu thì nay đến lúc ra tay trừ khử hai vị mỹ nhân gieo tai họa này. Trước tiên Triệu Hợp Đức bị Vương Thái Hậu phanh phui nhiều tội trạng như hại hoàng hậu, giết hại người vô tội, giết tiểu hoàng tử. Hợp Đức bị giam lỏng ở lãnh cung một thời gian rồi tự vẫn. Triệu Phi Yến sau đó cũng bị bức phải tự sát như em gái mình



32 - Triệu Cơ



Triệu Cơ người Hàm Đan nước Triệu cuối thời Chiến Quốc, là mẹ của Tần Thủy Hoàng. Triệu Cơ đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đưa Tần Thủy Hoàng lên ngôi của Lã Bất Vi. 
Triệu Cơ vốn là thiếp của Lã Bất Vi, người tuyệt đẹp, múa giỏi đàn hay. Khi đó Tần công tử, Tử Sở, làm con tin ở nước Triệu nghèo khó khốn cung. Lã Bất Vi ra tay cứu giúp, xin Hoa Dương phu nhân nhận Tử Sở làm con nuôi, trở thành người thừa tử của thái tử An Quốc Quân. 
Một lần Tử Sở sang nhà Bất Vi, nhìn thấy Triệu Cơ đem lòng say mê. Lã Bất Vi đem nàng dâng cho Tử Sở, khi đó Triệu Cơ đang mang thai. Tử Sở bèn lập nàng làm phu nhân, đến kỳ Triệu Cơ sinh con đặt là Chính. 
Năm thứ 50, đời vua Chiêu Vương nước Tần, Tần sai Vương Ý vây Hàm Đan rất gấp. Nước Triệu muốn giết Tử Sở. Tử Sở cùng Lã Bất Vi mưu đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ coi giữ nên trốn thoát về Tần. Triệu muốn giết Triệu Cơ và Chính, nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được vì thế mẹ con đều sống. 
Năm thứ 56, Tần Chiêu Vương mất, thái tử An Quốc Quân lên làm vua, lập Hoa Dương phu nhân làm hoàng hậu, Tử Sở làm thái tử. Sau thời gian khốn khó ở Triệu, Triệu Cơ cùng Chính về Tần. Vua Tần lên ngôi được một năm thì mất, thái tử Tử Sở lên thay, tức là Trang Tương Vương. 
Trang Tương Vương làm vua được ba năm thì mất, thái tử tên là Chính lên ngôi Tần Vương, tức Tần Thủy Hoàng, Triệu Cơ trở thành Thái hậu. Khi Tần Vương còn nhỏ tuổi, thái hậu Triệu Cơ thường lén lút tư thông với Lã Bất Vi. Về sau Tần Thủy Hoàng đã lớn, Lã Bất Vi sợ lộ sẽ mang vạ, bèn ngầm tìm kẻ dương vật lớn là Lao Ái, dùng làm người nhà. Lã Bất Vi sai Lao Ái làm trò vui, lấy dương vật của mình tra vào bánh xe gỗ đồng mà đi. Thái hậu Triệu Cơ nghe thấy muốn được Lao Ái cho riêng mình, Lã Bất Vi bèn cho Lao Ái giả làm hoạn quan rồi đem dâng cho thái hậu. Từ đó Triệu Cơ cùng Lao Ái thông dâm, sinh được hai con. Lao Ái đem hai đứa con đi dấu, định lập mưu đợi Tần Thủy Hoàng chết thì lập con hắn làm vua. 
Năm thứ 9 đời Thủy Hoàng, có kẻ phát giác Lao Ái thực không phải là hoạn quan và thường thông dâm với thái hậu. Tần Thủy Hoàng liền giao cho pháp đình xét, biết rõ sự tình. Tháng 9 năm đó Tần Thủy Hoàng giết cả ba họ nhà Lao Ái. Lại giết hai con do thái hậu đẻ ra và đày thái hậu Triệu Cơ sang đất Ung. Tháng 10 năm thứ 10, sau khi cách chức Lã Bất Vi, Tần Thủy Hoàng mới sang Ung đón thái hậu Triệu Cơ về Hàm Dương. 
Năm thứ 19 đời Thủy Hoàng, thái hậu Triệu Cơ mất, tên thụy là Đế thái hậu, chôn một chỗ với Trang Tương Vương ở Chỉ Dương



33 - Đát Kỷ



Đát Kỷ , hay còn gọi là Đắc Kỷ, là một cung phi được sủng ái của Trụ Vương nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Bà cũng là người thân với hoàng hậu của Trụ Vương. Bà không được học chữ, nhưng được nhận định là thông minh và gian xảo
Đát Kỷ trước khi làm cung phi cho Trụ Vương đã từng bị đày ở lãnh cung. Rồi bằng cách nào đó được Trụ vương đưa về cung và rất cưng chiều.
Trụ vương nổi tiếng là một ông vua dâm đãng. Ông mê Đát Kỷ đến quên việc triều chính. Ông và Đát Kỷ là một cặp được nhắc đến trong lịch sử Trung Quốc với sự phẫn nộ của nhiều người.
Đát KỷTương truyền, trong cung Trụ có một nơi phục vụ cho thú vui của vua Trụ. Đát Kỷ và vua, cùng nhiều cung tần mỹ nữ khác thường xuyên vui chơi trụy lạc tại đây. Họ ra lệnh dùng roi đánh khắp thân thể những con vật thật đau, để hằn lên vết đỏ, rướm máu, sau đó nướng chúng lên để thưởng thức. Chỗ này được thiết kế với những hồ nhỏ, vua cho đổ rượu vào đầy hồ và xuống tắm rượu cùng các mỹ nhân và Đát Kỷ.
Có lần Đát Kỷ bất hòa với thân thuộc của vua là Tỷ Can, bắt ông này phải moi tim ra cho bà xem. Một vị quan giỏi xem tinh tượng, bói toán cũng vì bất hòa mà bị bà cho dựa lưng vào cột vừa nung đỏ, cháy cả lưng.
Đát Kỷ bị dân gian nghi vấn là hồ ly hóa thành, vì được biết bà rất rậm lông chân.
Các sử gia đời sau thường cho rằng, vì việc quá yêu Đát Kỷ, Trụ vương đã làm nhiều điều thất đức, trượt theo vết xe đổ của vua Kiệt nhà Hạ say đắm nàng Muội Hỷ đến nỗi làm hỏng chính sự và mất nước về tay nhà Chu. Sau này cuối thời Tây Chu lại có chuyện Chu U vương si mê nàng Bao Tự mà cũng lặp lại bi kịch như Trụ vương làm nhà Tây Chu mất.
Như vậy xét về nép đẹp, Đát Kỷ cũng thuộc hàng đại mỹ nhân của Trung Hoa, nhưng không được kính nể trọng vọng như Tứ Đại Mỹ Nhân và người đời gọi bà là yêu cơ.



34 - Hạ Cơ



Hạ Cơ là một người con gái thời Xuân Thu (722 TCN - 480 TCN), tương truyền rằng nàng có thuật "hoàn tân".
Hạ Cơ vốn là gái nước Trịnh, sau về làm dâu nước Trần. Nàng là cô gái ăn chơi rất lịch lãm, sử sách nói sau khi ăn nằm với ai rồi, nàng trở lại "hoàn tân" như cũ. Điều đặc biệt là hễ ai đã ân ái với nàng thì thường gặp phải tai vạ và chết. Người ta nghi nàng có thuật "Hấp tinh đại pháp".
Người tình đầu tiên của nàng là công tử Trần Man, tư thông với nàng vài năm rồi qua đời. Sau đó nàng có chồng là Tư mã Hạ Ngự Thúc, hai vợ chồng có một con trai là Hạ Trưng Thư, rồi Ngự Thúc cũng chết.
Hạ Cơ lại tiếp tục dan díu với hai quan trong triều là Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ, hai quan này làm việc ô uế công khai. Một hôm Khổng Ninh lấy trộm cùa nàng cái "Cẩm dương" (quần lót bằng gấm) về khoe. Nghi Hàng Phủ thấy vậy nổi cơn ghen, cố nài xin cho được chiếc "Bích la nhu" (áo lót bằng lụa màu xanh) để trêu lại. Khổng Ninh cả giận liền tiết lộ cho vua Trần Linh Công biết. Trần Linh Công nghe kể thích quá liền nhập cuộc chơi, Hạ Cơ liền tặng vua chiếc áo lót nữa.
Từ đó, sau mỗi lần bãi triều, cả ba thường đem "bảo vật" ra khoe với nhau. Trong triều có quan Đại phu Tiết Giả là bầy tôi trung, thấy vậy liền can vua và chỉ trích hai tên quan kia. Nhà vua ngoài miệng hứa chừa, nhưng âm mưu với Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ, giết Tiết Giả. Tiết Giả chết rồi không còn có ai dám can ngăn nữa, cả ba mặc sức tung hoành trác táng đến nỗi dân nước Trần đã đặt bài vè "Châu Lâm" (Châu Lâm là nơi Hạ Cơ đang ở) để chê trách Linh Công.
Hạ Cơ cho Trưng Thư về kinh đô để học, cũng mong cho con ngày sau nối nghiệp cha. Trưng Thư lớn lên, có tài võ nghệ, Linh Công cho Thư nối chức cha làm Tư mã, ở lại kinh. Từ đó Hạ Cơ một mình tiếp luôn ba người không biết mệt mỏi.
Một hôm Hạ Trưng Thư ở kinh về Châu Lâm trông thấy vua Trần Linh Công và Khổng Ninh, Hàng Phủ cùng Hạ Cơ đang vầy cuộc ái ân, ăn nói suồng sã bỉ ổi loạn luân, lập tức Hạ Trưng Thư cho quân vây quanh nhà và giết được Trần Linh Công còn hai tên kia chạy thoát qua nước Sở, vào kêu với Sở Trang Vương rằng Hạ Trưng Thư giết vua để cướp ngôi.
Trang Vương đem binh đánh Trần, giết Hạ Trưng Thư. Thấy Hạ Cơ xinh đẹp ý muốn thu dùng, nhưng một bầy tôi là Khuất Vu, một tướng lãnh tài ba, trẻ tuổi, đẹp trai, lại luyện được phép "Bí thuật phòng trung", bấy lâu đã nghe tiếng Hạ Cơ có ngón ăn chơi trác tuyệt muốn thử lửa một phen bèn ra sức can Sở Trang Vương đừng thu dùng nàng. Trang Vương lại muốn gả cho người khác, Khuất Vu cũng lại can, cuối cùng vua gả cho một vị tướng già là Tương Lão. Hạ Cơ lại tư thông với con Tương Lão, việc đổ bể Hạ Cơ trốn sang nước Trịnh, còn con của Tương Lão bị hành hình.
Khuất Vu đi sứ sang Trịnh, nhân cơ hội đó Khuất Vu tư thông với Hạ Cơ, rồi đưa nàng trốn sang Tấn "xây mộng uyên ương". Mấy năm sau Khuất Vu đem nàng sang nước Ngô và ở hẳn nơi này. Từ đấy về sau không còn ai biết Hạ Cơ ra sao nữa.



35 - Bao Tự



Bao Tự (?-771 TCN) là người đẹp Trung Quốc thời nhà Chu. Truyền thuyết kể rằng Chu U Vương mê say nàng nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười nên ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng.
Để làm nàng cười, nhà vua đã làm mọi cách. Một hôm, Bao Tự cùng vua đi dạo trong vườn thượng uyển thì bỗng có một tiếng động vang lên, và nhà vua thấy được nụ cười đẹp tuyệt của nàng. Sau khi hỏi nàng về điều này, nàng nói do tiếng vải lụa bị xé làm nàng nhớ đến những ngày tháng êm đềm khi sống với cha trên núi.
Sau khi biết được điều này, U vương cho hàng ngàn người ngày đêm xé những mảnh vải lụa đó cho đến khi nàng cười mới thôi. Nhưng ngờ đâu nụ cười vẫn không đến với nàng.
Sau nhiều lần cố gắng nhưng không thành, có một hoạn quan là Quắc công Kỵ Phủ tâu với vua là mình có cách làm cho nàng cười. Quanh đất nhà Chu cai trị vốn xây nhiều tháp dầu để khi có giặc kéo đến thì đốt các cột lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. Quắc Công khuyên Chu U vương đốt lửa cho chư hầu đến để cho Bao Tự cười. U vương làm theo.
Quân chư hầu mấy nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có giặc bèn hớt hải mang quân đến cứu. Đến kinh thành, thấy mọi người vẫn đi lại bình thường, không có giặc giã gì cả. Các chư hầu ngơ ngác nhìn nhau. Bao Tự ở trên đài trông thấy bật tiếng cười lớn. U vương vô cùng hoan hỉ vì làm được cho nàng cười. Xong U vương lệnh cho các trấn chư hầu rút quân về vì không có giặc.
Đến một thời gian sau, vua Chu lại sai đốt lửa lần nữa và các chư hầu lại bị lừa để Bao Tự có được tiếng cười.
U vương say mê Bao Tự, xa lánh hoàng hậu họ Thân. Bao Tự sinh được một hoàng tử, U vương rất yêu quý, định lập làm thái tử và muốn phế truất thái tử Nghi Cữu. Cha Thân hậu bèn liên hệ với quân Khuyển Nhung bên ngoài kéo vào đánh úp Cảo Kinh. U vương vội cho đốt lửa hiệu triệu chư hầu tới cứu, nhưng các chư hầu bị lừa vài lần nên tưởng vua đùa, không tới nữa. U vương mang Bao Tự và con nhỏ bỏ chạy, bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Riêng Bao Tự bị vua Khuyển Nhung bắt về cung để mua vui.
Quân Khuyển Nhung cướp phá giết người kinh thành. Thân Hầu ân hận mang họa cho dân Cảo Kinh bèn viết thư triệu các nước chư hầu Tấn, Tần, Trịnh đến đánh quân Khuyển Nhung. Quân ba nước kéo đến đánh tan quân Nhung. Vua Nhung bỏ chạy. Bao Tự thấy quân các nước kéo vào cung bèn thắt cổ tự vẫn.
Con trưởng U vương là Nghi Cữu được lập lên ngôi, tức là Chu Bình vương.
Nhà thơ Lý Bạch có câu:

Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim

Tạm dịch:

Người đẹp nở một nụ cười đáng đổi lấy nghìn lạng vàng



36 - Ngu Cơ



Ngu Cơ thường xuyên đi cùng Hạng Vũ ra chiến trận, sát cánh cùng Sở Bá vương trong suốt nhiều năm chinh chiến. Đoạn tiễn biệt giữa hai người trong thành Cai Hạ là một đoạn bi tráng rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc được Sử ký của Tư Mã Thiên nhắc tới.
Hạng Vũ và Lưu Bang vốn đã giảng hoà ở Hồng Câu để chia đôi thiên hạ. Nhưng sau đó Lưu Bang bội ước đánh úp Hạng vương khiến Hạng vương phải chạy vào thành Cai Hạ.
Hạng vương đóng quân ở trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết. Quân Hán và quân chư hầu bổ vây mấy vòng. Đang đêm, Hạng vương thức dậy nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở, Hạng vương kinh hoàng, nói:
Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lại đông như thế?
Đêm hôm đó Hạng vương uống rượu trong trướng cùng Ngu Cơ. Hạng vương đau đớn cảm khái làm bài thơ, được đời sau gọi là bài "Cai Hạ ca":

Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Chuy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà. 

Dịch:

Sức nhổ núi, khí trùm đời,
Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may!
Ngựa sao chùn lại thế này?
Nàng Ngu, biết tính sao đây hỡi nàng? 

Hạng vương ca mấy lần, Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:

Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh. 

Dịch:

Quân Hán lấy hết đất,
Khúc Sở vang bốn bề.
Trượng phu chí lớn cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.

Rồi Ngu Cơ lấy gươm tự vẫn để "tránh làm vướng bận" Hạng Vũ. Hạng Vương thấy Ngu Cơ chết, khóc chảy nước mắt, tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.
Tương truyền nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ hễ có rót rượu gần bên thì cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ. Người ta gọi cỏ ấy là "Ngu mỹ nhân thảo". Lại có thuyết cho rằng hương hồn bà không tan, hóa thành 2 khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quít vào nhau, người ta gọi là Cỏ ngu.



37 - Trương Lệ Hoa



Trương Lệ Hoa xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó ở Giang Nam. Tuy là con nhà nông, phải phụ cha mẹ làm những công việc đồng áng nặng nhọc nhưng Lệ Hoa đang ở độ tuổi đôi mươi có nét đẹp khác lạ: "da trắng như tuyết, mắt đen láy, thân hình toát lên vẻ thanh tú", những vẻ đẹp theo nàng từ lúc mới sinh nên tên Lệ Hoa cũng do cha mẹ đặt từ các đặc điểm trên.
Người con trai của Trần Văn Đế là Trần Thúc Bảo cũng mới gần hai mươi tuổi khi ấy được phong là Trần Nhu Tuyên đế. Trần Nhu trong một dịp ra ngoài cung dạo chơi đã gặp và phải lòng Trương Lệ Hoa khi thấy nàng đang bán hoa sen ngoài phố. Trần Nhu đã đưa một số tiền lớn cho cha mẹ Lệ Hoa để mua nàng về làm thiếp.
Khi vua Trần Văn Đế băng hà thì Trần Nhu lên làm hoàng đế, hiệu là Chí Đức, nhưng gọi là Trần Hậu Chủ. Ngay khi nắm một quyền lực lớn nhất trong tay, Hậu Chủ đã cho rước Trương Lệ Hoa về cung và suốt ngày đắm đuối bên nàng, bỏ mặc Thẩm Hoàng Hậu và những lời can ngăn của quần thần "Lệ Hoa chỉ là con của tầng lớp dân dã".
Vì xuất thân từ tầng lớp nghèo khó trong xã hội nên khi vào cung, Lệ Hoa hết sức choáng ngợp trước cảnh vàng son nhung lụa. Mặc dù được vua chu cấp đầy đủ nhưng ở ngôi vị quý phi, nàng vẫn chưa thỏa mãn. Lệ Hoa sai tâm phúc bí mật liên lạc với các tầng lớp quý tộc bên ngoài để thực hiện việc "mua quan bán chức", hễ ai muốn có chức tước gì trong triều chỉ cần đưa cho nàng một số vàng bạc nào đó tương xứng với giá trị của chức ấy thì sẽ toại nguyện nhờ tài nâng đỡ và mồm miệng của Lệ Hoa thuyết phục nhà vua. 
Thái tử Trần Dân bất mãn trước việc hoàng hậu Thẩm mẹ mình không được sủng ái cùng với việc Trương Quý Phi công khai ăn hối lộ nên tỏ ý chống đối, Lệ Hoa cầu cứu với Hậu Chủ và từ đó vua càng phớt lờ những lời can gián của Thái Tử cũng như quần thần rồi ngày càng ăn chơi sa đọa cùng Trương mỹ nhân.
Năm 588, nhà Tùy dẫn quân tấn công Nam triều, Tấn Vương Dương Quảng bao vây kinh đô Nam Trần. Hậu Chủ bước đường cùng phải dẫn Trương Lệ Hoa và Khổng Quý Tân nhảy xuống một cái giếng cạn ở vườn Ngự Uyển để trốn quân Tùy. Cuối cùng bị bắt gọn, Dương Quảng cũng suýt bị mỹ nhân hớp hồn, toan đưa nàng về nhưng sau khi nghe quan quân can ngăn đã hạ lệnh xử tử Trương Lệ Hoa, còn Hậu Chủ và hoàng tử Thâm bị bắt làm tù nhân. Trương Lệ Hoa chết rất trẻ, chỉ vừa sắp bước qua tuổi 30



38 - Phan Kim Liên



Phan Kim Liên là nhân vật trong tiểu thuyết Thủy Hử của nhà văn Thi Nại Am, và cũng là nhân vật trong truyện Kim Bình Mai của Tiếu Tiếu Sinh. Phan Kim Liên nguyên là hầu gái trong nhà một đại gia, do không chịu làm thiếp cho tài chủ già nên bị bức phải lấy Võ Đại Lang, anh Võ Tòng, một người vừa lùn vừa xấu xí. Phan Kim Liên vốn tính lẳng lơ nên rất thất vọng. Về sau, Võ Tòng gặp lại Võ Đại Lang, Phan Kim Liên thấy Võ Tòng là anh hùng cái thế thì ra sức quyến rũ nhưng Võ Tòng không chút động lòng. Nhân lúc Võ Tòng đi Đông Kinh, do người láng giềng là Vương Bà dắt mối, Phan Kim Liên quen với Tây Môn Khánh, một tên tài chủ. Khi hai người gặp nhau ở nhà Vương Bà thì bị Võ Đại Lang phát hiện. Võ Đại Lang bị Tây Môn Khánh đánh đến ngất đi. Vì muốn gian díu lâu dài với Tây Môn Khánh nên Phan Kim Liên với sự giúp đỡ của Vương Bà bỏ thạch tín vào bát canh của Võ Đại Lang để giết chàng.
Võ Tòng trở về, biết chuyện lập tức mời hàng xóm đến nhà. Chàng lôi Vương Bà đến trước bàn thờ anh rồi gọi Phan Kim Liên ra. Phan Kim Liên xin tha tội nhưng Võ Tòng đã chém chết ả ngay tại chỗ rồi đi giết Tây Môn Khánh. Phan Kim Liên về sau trở thành nhân vật dâm phụ điển hình trong văn học Trung Hoa.



39 - Muội Hỷ



Muội Hỷ là con dân nước Hữu thi, một nước nhỏ ở biên viễn. Do đánh thua vua Kiệt nhà Hạ (thế kỷ 21 đến thế kỷ 17 trước CN) nên vua nước Hữu Thi phải nộp người con gái đẹp là Muội Hỷ để xin giảng hòa. Với sắc đẹp hiếm có cộng với khả năng quyến rũ lạ thường, Muội Hỷ khiến Kiệt suốt ngày phải bám lấy gấu váy của nàng, không lo gì chính sự
Dù sống trong cung điện nguy nga nhưng Muội Hỷ vẫn chưa bằng lòng. Nàng bắt vua Kiệt phải xây cho mình 1 cung điện mới nguy nga và lộng lẫy hơn. Bên ngoài cung điện lại xây một cái đài cao ở trước cung điện bằng ngọc trắng gọi là “Dao đài” để Muội Hỷ lên cao ngắm phong cảnh
“Tửu trì” (ao rượu) cũng là sáng kiến của Muội Hỷ và Hạ Kiệt. Tửu trì rộng lớn đến mức có thể đi thuyền ngắm cảnh. Bả rượu được dùng để đắp 1 con đê bao quanh có chu vi 10 dặm, trên đê bã rượu có 3000 trai gái chầu trực sẵn sàng đợi lệnh. Trên đài cao đặt mấy chiếc trống lệnh, Hạ Kiệt xuống lệnh, tiếng trống vang trời, thế là 3000 người theo tiếng trống chỉ huy, nhất tề nhoài mình xuống theo tư thế trâu uống nước, chân chổng lên trời, thò cổ chúc đầu xuống tửu trì để uống rượu. Cảnh tượng ấy khiến Muội Hỷ và Hạ Kiệt ha hả cười vui vô kể
Các vị đại thần can ngăn như Quan Long Bàng đều bị xử chết. Chư hầu nổi dậy dưới sự chỉ đạo của Thành Thang là hầu tước của nước Thương nên đã lật đổ nhà Hạ. Hạ Kiệt và Muội Hỷ bị đài đến Nam Sào là vùng biên giới hoang vu. Chẳng bao lâu, đôi vợ chồng vương giả này vì không chịu nổi sự cơ cực mà chết


40 - Nguyệt Dung công chúa



Là con gái cưng của vua Tùy Vương và được Lý Thế Dân cảm mến. Tùy triều diệt vong, Lý Thế Dân lên ngôi Đường Thái Tông và đó chính là bi kịch của Nguyệt Dung. Ấn tượng với vai Nguyệt Dung có thể nhắc tới Cao Viên Viên trong Tần Vương Lý Thế Dân, Tôn Phi Phi trong Khai Sáng Thế Kỷ.

0 nhận xét:

Post a Comment