Saturday, October 13, 2012

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc)



ản đồ Bắc Kinh
Bắc Kinh có tên gọi tắt là Kinh, nằm ở đồng bằng Hoa Bắc, cách vịnh Bột Hải 150 km, là thành phố trực thuộc trung ương, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bắc Kinh là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của Trung Quốc, cũng là một trung tâm công nghiệp hiện đại, thương mại sầm uất. Bắc Kinh còn là kinh đô hơn 3.000 năm lịch sử của nhiều triều đại phong kiến với tên gọi Yên Kinh, Trung Đô, Đại Đô.
 
Trên đường phố Bắc Kinh
Địa lý:
Vị trí: Bắc Kinh nằm trong tỉnh Hà Bắc, phía Đông Nam giáp với thành phố Thiên Tân. Địa hình Bắc Kinh cao về phía Tây Bắc, thấp về phía Đông Nam. Phía Bắc có Quân Định Sơn, phía Tây có Tây Sơn, núi đồi chiếm 62% diện tích thành phố, cao nhất là đỉnh Đông Linh với độ cao 2.303 m; Đông Nam có các sông Vĩnh Định, Triều Bạch đổ ra Bột Hải.
Diện tích: 16.800 km2.
Đơn vị hành chính: Phân thành 8 khu nội thành và 10 huyện ngoại thành. 4 khu nội thành trung tâm là Đông Thành, Tây Thành, Sùng Văn và Tuyên Vũ; 4 khu nội thành xung quanh là Triều Dương, Hải Điện, Thạch Cảnh Sơn và Phong Đài; 10 huyện ngoại thành là Phòng Sơn, Môn Đầu Câu, Xương Bình, Diên Khánh, Hoài Nhu, Mật Vân, Bình Cốc, Thuận Nghĩa, Thông Châu và Đại Hưng.
Dân số: 15,38 triệu người (năm 2005), bao gồm các dân tộc Hán, Mãn, Hồi, Mông Cổ, Triều Tiên.
Khí hậu: Bắc Kinh thuộc loại hình khí hậu lục địa ôn đới điển hình, mùa hè nóng nực, có mưa, mùa đông khô lạnh. Nhiệt độ trung bình năm 10 – 120C. Lượng mưa hàng năm khoảng 600 mm.
 
Quảng trường Thiên An Môn về đêm
Lịch sử - văn hóa:
Bắc Kinh có tên cổ nhất là Kế. Thế kỷ XI trước Công nguyên, nước Kế là một nước chư hầu của vương triều Tây Chu thống trị phía bắc Trung Quốc. Giữa thời Xuân Thu, nước Kế bị một nước chư hầu khác nằm phía tây nam là Yên thôn tính, dời đô về Kế Thành. Đến năm 226 trước Công nguyên, nước Yên bị nước Tần tiêu diệt.
Năm 938, Kế Thành trở thành kinh đô phụ của nhà Liêu – một nhà nước do người Khiết Đan, dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Trung Quốc thành lập, gọi là Thịnh Kinh. Hơn một thế kỷ sau đó, nhà Kim – một nhà nước do người Nữ Chân thành lập tiêu diệt nhà Liêu, và dời đô đến Thịnh Kinh vào năm 1153, đổi tên thành Trung Đô.
Năm 1214, nhà Kim dời đô về Biện Lương (Khai Phong, Hà Nam) để tránh sự tấn công của người Mông Cổ. Một năm sau đó, người Mông Cổ chiếm Trung Đô. Năm 1271, Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế ở Trung Đô, thiết lập triều đại Nguyên. Năm 1276, thành được xây dựng lại và đây chính là kinh đô Đại Đô của nhà Nguyên mà nhà du lịch Marco Polo người Italia đánh giá là “thế giới không nơi nào sánh được”. Từ đó, Bắc Kinh thay thế địa vị các cố đô Trường An, Lạc Dương, Biện Lương, trở thành trung tâm chính trị của Trung Quốc liên tục trong hai thời đại Minh, Thanh tiếp theo.
 
Cố Cung
Ngày 10-10-1911, cách mạng dân chủ tư sản bùng nổ, nhà Thanh sụp đổ, Bắc Kinh kết thúc lịch sử là kinh đô phong kiến của mình. Trong hơn 30 năm sau đó, Bắc Kinh ở trong tình trạng hỗn chiến giữa nhiều phe phái quân phiệt và bị Nhật Bản xâm chiếm.
Ngày 1-10-1949, nước CHND Trung Hoa thành lập, Bắc Kinh mở ra trang sử mới trở thành thủ đô của nước Trung Hoa mới. Bắc Kinh - kinh đô của nhiều thời đại phong kiến, thủ đô của Trung Quốc ngày nay là hình ảnh phản chiếu của lịch sử và văn hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng với 42 di tích cấp quốc gia, 6 di sản văn hóa thế giới là Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung, Di Hòa Viên, Thiên Đàn, di tích người vượn Bắc Kinh ở Phòng Sơn, Thập Tam Lăng. Nhiều điểm tham quan thu hút khách du lịch như Quảng trường Thiên An Môn, Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc, Đại Lễ đường Nhân dân,…
 
Vạn Lý Trường Thành
 
Thiên Đàn
Bắc Kinh cũng là trung tâm văn hóa giáo dục lớn nhất trong cả nước, là nơi tập trung nhiều Đại học, Học viện hàng đầu nổi tiếng trong và ngoài nước, như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa.
Kinh tế - xã hội:
Tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Kinh có than ở Môn Đầu Câu, đá ở Phòng Sơn, các ngành công nghiệp điện, xây dựng, công nghiệp nhẹ, thực phẩm… rất phát triển.
Đặc sản Bắc Kinh có hạt dẻ Yên Sơn, táo Mật Vân, mứt hoa quả, vịt quay, thuốc Đông y Đồng Nhân Đường, sản phẩm gốm sứ Cảnh Thái Lam.
Bắc Kinh là đầu mối giao thông của cả nước với hệ thống giao thông hiện đại. Đường ô tô toàn thành có chiều dài tổng cộng 5.500 km và có 6 tuyến đường cao tốc nối với hệ thống đường cao tốc cả nước. Bắc Kinh có 8 tuyến đường sắt chính là Kinh Cáp, Kinh Thông, Kinh Hộ, Kinh Quảng, Kinh Cửu, Kinh Bao, Kinh Nguyên, Kinh Tần. Sân bay Bắc Kinh có hơn 200 đường bay quốc tế, quốc nội nối các thành phố trong cả nước và trên thế giới.
 
Đường cao tốc ở Bắc Kinh
Năm 2005, GDP toàn thành đạt gần 450 tỷ NDT. Năm 2005, Bắc Kinh đón 3,2 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng hơn năm trước 70,4%, thu nhập du lịch đạt 3,2 tỷ USD; đón 120 triệu lượt du khách trong nước, tăng hơn năm trước 36,8%, thu nhập du lịch đạt 11,45 tỷ NDT.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 94,7 tỷ USD (năm 2005), trong đó, xuất khẩu đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,8%; nhập khẩu đạt 74,1%, tăng 43,5%.
 
Một khu chợ truyền thống

Tags:Thủ đô,Bắc Kinh,Trung Quốc

0 nhận xét:

Post a Comment