Saturday, October 13, 2012

Giới trẻ rủ nhau cai nghiện Facebook


Giới trẻ rủ nhau cai nghiện Facebook

Facebook mang đến cho người trẻ một công cụ kết bạn rất thú vị. Nhưng trải qua một thời gian hào hứng, rất nhiều bạn giật mình khi nhận ra mình đang là “con nghiện” Facebook…
Nhận ra mình “nghiện Face” Dương Ngọc Trâm (trung cấp Dược, trường ĐH Y Dược TP. HCM) tận dụng những ngày rỗi giữa thời gian tốt nghiệp và xin việc làm để lập Facebook kết giao bạn bè. Cô gái sống ở TP. HCM thích thú với việc tìm cho mình những người bạn mới tận ở quê nội, quê ngoại và cả những người anh em định cư ở Mỹ đã cách xa nhau gần 15 năm. Trâm tâm sự: “Mỗi lần tìm được những mối quan hệ như vậy thông qua Facebook, mình vui lắm, nhất là những ngày đầu mới lập trang.
Sau khi kết bạn thì hỏi thăm tin tức, comment qua lại. Nhưng rồi cũng hết chuyện để nói, mình chuyển sang dùng Facebook để tám chuyện cùng bạn bè thân. Mỗi khi có chuyện vui buồn đều post lên tường để chia sẻ. Cho đến một ngày, mình chợt nhận ra mình cần một người bạn bên cạnh, chứ không chỉ những dòng comment hay bấm like một cách xã giao và tiện tay trên không gian ảo”.

Nghiện Face lúc nào không hay (Ảnh minh hoạ)
“Cho đến một ngày, mình chợt nhận ra mình cần một người bạn bên cạnh, chứ không chỉ những dòng comment hay bấm like một cách xã giao và tiện tay trên không gian ảo”
Tuy vậy, việc dứt khỏi Facebook với Trâm không hề đơn giản. Bao lần Trâm tuyên bố sẽ bỏ Facebook để “bước ra đường”, nhưng mỗi lần lên Facebook bảo vậy, bạn bè lại vào động viên bằng những comment, rồi cảm ơn qua lại, rồi trò chuyện cười nói rôm rả. Thế là ý định bỏ Face… phá sản!
Với Thủy Tiên (du học sinh ở Hàn Quốc) thì chuyện lên Facebook để thể hiện bản thân, “sô” ảnh cũng như giao lưu cho đỡ buồn cùng bạn bè ở quê nhà là một nhu cầu thiết thực. Nhưng cái gì “quá” cũng sinh chán. Bạn quá đông, lại không thân cũng phiền.
Có lúc một vài lời xa lạ lại làm cô tổn thương. Không biết bao nhiêu lần Thủy Tiên tuyên bố giã từ Facebook nhưng rồi khi vào đọc của người khác, Tiên lại quên bẵng ý định, tiếp tục hăng say đưa lên entry và comment mới. “Từ khi có Face, nhóm mình ít tụ tập như trước vì chuyện muốn trao đổi cũng đã “sô” hết lên face rồi. Gặp nhau cũng chẳng biết nói chuyện chi đây” – M. Ngọc (sinh viên ngành Ngữ văn, trường ĐH KHXH&NV), chia sẻ. Lập hội cai Face trên… Facebook
“Phải làm sao mới hết nghiện Facebook đây?” – Một thành viên của “Hội những người muốn cai Facebook” than thở. Một bạn khác cho biết “thực trạng” bản thân: “Sáng 9h, vào Face ào ào. 12h, tiếp tục vào. Giờ nghỉ trưa cũng vào. Chiều trước khi về nhà cũng vào. Tối trước khi ngủ cũng vào nữa. Có ai giống mình không?”.
Các bạn trong hội này thống nhất rằng mình cũng có những biểu hiện như trên và quyết định phải “quyết tâm cai Face đi là vừa”. Vậy mà thực trạng chung vẫn là “muốn lắm nhưng cai không được”. Có một thời gian, Facebook “có vấn đề về kỹ thuật”, không thể vào được hoặc phải “vượt tường” vào Face một cách khó khăn, các “con nghiện” lại thấy bứt rứt khó chịu, hàng trăm entry hậm hực đã ra đời trong tình huống này.
Khi được hỏi: “Đã bao giờ bạn có ý nghĩ sẽ từ bỏ Facebook chưa?”, hầu hết các Facebooker đều gật đầu. Riêng chuyện cai nghiện Face cũng có đến hàng loạt hội nhóm mang tên “Hội những người muốn cai Face”, “Cai nghiện Facebook”, “Hội những người từ bỏ Facebook”, “Hội những người thường xuyên có ý định bỏ Facebook nhưng không thành công”, “Hội những người thức nguyên đêm và vào Facebook” hay “Lập hội cai nghiện Face để chú tâm vào ôn thi”…
Nhu cầu “cai Face” là có thực. Tuy nhiên, oái oăm là các Facebooker khi muốn chia sẻ chuyện “cai nghiện” thì lại phải đăng nhập vào Face. Thế nên ngay trên phần tự bạch của “Hội những người muốn cai Facebook” có ghi rõ: “Đây là hội dành cho những ai nghiện và muốn cai nghiện Face, nhưng cai được hay không chỉ có trời biết đất biết và… người đó tự biết (!)
“Cai” phải có phương pháp
Trong tình hình các phong trào cai nghiện Facebook trên… Facebook chỉ mang tính kêu gọi chung, mâu thuẫn và thiếu quyết tâm thì các diễn đàn học sinh, sinh viên đang chuyền tay nhau 4 cách “cai” Facebook mà các bạn đúc kết được. Các bạn “đánh” thẳng vào chính những ưu điểm đang có của Facebook như tính kết nối cao, khả năng cập nhật trạng thái – hình ảnh liên tục, những trò trắc nghiệm và bói vui hấp dẫn, các trò chơi thú vị và có tính tương tác.

Phải làm sao mới hết nghiện Face đây (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, người chơi Facebook sẽ phải quyết tâm gián tiếp ngắt kết nối với Face bằng cách xóa trình duyệt trên điện thoại, sử dụng dịch vụ mạng (Internet và di động) có chặn Facebook… Cách này đôi khi không hữu hiệu với những bạn “lậm” Face nặng, nhưng có thể áp dụng cho những ai hơi “gà mờ” về máy tính và mạng.
Bên cạnh đó, các bạn hướng dẫn nhau tự hạn chế tương tác bằng cách không “like” hoặc comment trạng thái của người khác một cách vô tội vạ. Một cựu Facebooker cho hay: “Việc bình luận mang tính chất tán gẫu nên được giảm bớt vì bạn sẽ chỉ ngồi trên Facebook “canh” phản hồi mà quên đi mình còn bao việc cần làm.
Khi không bấm like hoặc không comment, bạn bè cũng sẽ dần “bỏ quên” cái Facebook của bạn. Nếu không cập nhật trạng thái thường xuyên và không ghé thăm bạn bè, Facebook của bạn sẽ vắng tanh. Tự dưng bạn sẽ thấy nhàm, lúc ấy thì việc “cai” rất dễ”.
Những bạn mê game trên Facebook được mách nước bỏ Facebook bằng cách chuyển hướng đam mê sang những game mini luyện trí não đã cài đặt sẵn trong các máy tính như Lines, Pikachu, Solitaire… Hay các bạn được khuyến khích quay lại một diễn đàn mà bạn đã từng hoạt động để lơ là dần Facebook. Bạn cũng có thể dùng các giao tiếp khác như Yahoo! Messenger để nối kết với bạn bè.
Bạn có thể xem “bói vui” và làm trắc nghiệm trên các trang báo điện tử, tìm một số trang web game và khám phá chúng, thay vì ngồi rị mọ chơi và chờ cả ngày Facebook. Nói tóm lại, càng thu hẹp các mối quan hệ ảo, bạn càng dễ dàng rời khỏi nơi này.
Một cuộc nghiên cứu của trường ĐH Ohio (Mỹ) mới đây chỉ ra rằng, những học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội Facebook dành ít thời gian hơn cho việc học và nhận điểm số thấp hơn so với những người không bận rộn với việc kết nối bạn bè trên mạng. Cuộc nghiên cứu trong 219 sinh viên cho thấy, những thành viên mạng xã hội Facebook có điểm tổng kết trung bình từ 3 – 3,5, còn những sinh viên không dùng Facebook thì có điểm tổng kết trung bình từ 3,5 – 4.
Tags:Giới trẻ,rủ nhau,cai nghiện,Facebook

0 nhận xét:

Post a Comment