Tuesday, January 1, 2013

Sự thực về ông hoàng lên ngôi nhờ... 10 trinh nữ

Không phải máu mủ của Tống Cao Tông, nhưng Triệu Thận vẫn đường đường nắm giữ ngôi báu và lạ lùng thay, ông hoàng này tức vị là nhờ không “động chạm” vào 10 tuyệt sắc mỹ nhân còn trinh trắng. 

Vua Tống Hiếu Tông Triệu Thận (tại vị từ năm 1163-1189) là vị hoàng đế thứ hai của nhà Nam Tống, Trung Quốc. Ông này vốn không phải là con trai của Tống Cao Tông Triệu Cấu mà thuộc dòng dõi của hoàng đế khai quốc nhà Tống là Triệu Khuông Dận. Triệu Thận là con của Tú An Hy Vương Triệu Tử Xưng. Sau khi mất, thụy hiệu của ông là Thiệu Thống Đồng Đạo Quán Đức Chiêu Công Triết Văn Thần Vũ Minh Thánh Thành Hiếu hoàng đế. Lý do Triệu Thận được lên ngôi, ngoại trừ nguyên nhân Tống Cao Tông có vấn đề về sinh lý, còn liên quan tới câu chuyện lạ lùng về mười cô gái đồng trinh. Nói cách khác, những trinh nữ này là chất xúc tác mạnh mẽ giúp Triệu Thận nắm giữ ngai vàng. 
 
 Chân dung Tống Hiếu Tông Triệu Thận. 

Chuyện kể rằng vào cuối năm vua Kiến Viêm thứ hai nhà Nam Tống (năm 1129), Kim Tả Phó Nguyên soái là Tông Duy đánh chiếm Từ Châu, sau đó lại xua quân xuống phía Nam. Quân của Hàn Thế Trung trấn thủ tại Hoài Dương chỉ mới đánh một trận đã vỡ tan tác, Diêm Thành bị mất. Quân Kim thừa thế xông lên, đánh thẳng tới khu vực gần Dương Châu do quân Thiên Trường chốt giữ. Tống Cao Tông, người cả đời chỉ giỏi trốn chạy nay thêm rối loạn. Sáng sớm ngày mùng 3 tháng 2 năm ấy, sau trận “mây mưa” với thê thiếp, Tống Cao Tông vẫn say giấc nồng bên phi tử thì bị thuộc hạ gọi dậy để nghe báo cáo tình hình quân binh khẩn cấp. Viên Nội thị được phái đi do thám tình hình đã không quản ngại đêm tối quay về cấp báo, Thiên Trường đã bị thất thủ, quân Kim đang dồn sức tiến đánh Dương Châu. Nghe tin dữ, Triệu Cấu kinh hãi tới nỗi dứt hẳn cơn buồn ngủ, nhảy khỏi giường rồi vội vàng mặc ngay áo giáp, leo phắt lên lưng một con chiến mã mà phi thẳng ra ngoài. Theo sát nhà vua lúc này chỉ có khoảng 5, 6 người, gồm Ngự Doanh đô thống chế Vương Uyên, Nội thị Khang Lý... 

Chính vì trốn chạy trong cơn hoảng loạn mà Triệu Cấu mất đi khả năng sinh dục bình thường ở người đàn ông. Con trai duy nhất của ông ta là thái tử Nguyên Ý đã chết sau sự biến Miêu Lưu. Đám con cháu dòng dõi Thái Tông sau sự biến Tĩnh Khang về cơ bản cũng đã bị quân Kim bắt sạch đem về phương Bắc. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, Triệu Cấu đành quyết định truyền lại ngôi báu cho hậu duệ của vua Thái Tổ.  

Nhưng đám hậu duệ ấy có tới hàng nghìn người. Tống Cao Tông liền cất công lựa chọn, cuối cùng lựa ra được hai đứa trẻ, một béo một gầy. Đứa gầy chính là Triệu Thận. Ban đầu, Cao Tông không có cảm tình với vị hoàng đế tương lai này mà dành phần ưu ái hơn cho đứa trẻ béo. Nếu quả thực như vậy thì giấc mộng đế vương của Triệu Thận cũng kết thúc từ đây. Nhưng ngay lúc ấy, đột nhiên xuất hiện một con mèo. Triệu Thận lặng thinh, không mảy may cử động. Riêng cậu bé béo mập kia thì giơ chân đạp con vật, động tác vô cùng thô lỗ. Từ chỗ có ấn tượng tốt, Tống Cao Tông bỗng tiêu tan mọi cảm tình với cậu ta. Ông liền giữ Triệu Thận lại và chăm chút, nuôi dưỡng trong chốn thâm cung.

Lúc này xem chừng Triệu Thận đã được lựa chọn để kế vị ngai vàng, nhưng sự thực lại không phải như vậy. Đây mới chỉ là lần kiểm nghiệm đầu tiên mà thôi. Ông được nuôi dưỡng trong cung gần 20 năm, từ nhỏ đã được giáo dục rất tốt, lớn lên được phong Công hầu rồi Quận vương, nhưng chưa bao giờ đường đường chính chính mang danh phận thái tử. Có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn tới điều này:

Trước hết là do Tống Cao Tông còn ôm mộng sinh quý tử khác. Ngoài việc chạy chữa bốn phương, ông ta ra sức cầu trời khấn phật, tổ chức các lễ tế vô cùng long trọng, buộc tể tướng là Tần Cối đứng ra làm chủ lễ cầu tự, bản thân mình thì “trai giới bên trong nội điện”. Ngày nay còn lưu truyền câu thơ về việc này: “Đêm ngày mong nghĩ sinh quý tử, giữa chốn triều đình lòng vẫn vấn vương”. Nhưng mọi nỗ lực đều là con số không tròn trĩnh, lâu dần ông ta cũng đành chấp nhận, nguội lạnh giấc mơ hão huyền. 

 Nhờ 10 trinh nữ tiến cung, Triệu Thận đã đường hoàng nắm giữ ngôi báu. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính tể tướng Tần Cối. Triệu Thận khá ghét thái độ nhẫn nhục cầu hòa của họ Tần, trong khi đó, viên tể tướng cũng có phần dè dặt trước năng lực tài giỏi của Triệu Thận. Hai bên ra sức nghi kỵ lẫn nhau, nên phát sinh mâu thuẫn là điều dễ hiểu. 

Cha đẻ của Triệu Thận mắc bệnh qua đời, Tần Cối liền dâng sớ ép uổng Triệu Thận phải thủ hiếu thờ cha suốt ba năm. Xét trong hoàn cảnh bấy giờ, khi thân phận hoàng thái tử của Thận chưa được xác định, thì đòi hỏi kia xem ra không hề quá quắt. Nhưng thực chất, Tần Cối muốn nhân chuyện này để truất bỏ thân phận của đối phương. Chỉ có điều, Tống Cao Tông lại không nghe theo Tần Cối mà phụ bạc với Thận. Hết ba năm thủ hiếu, Triệu Thận tiếp tục được trở lại cung. Về sau, khi Tần Cối lâm bênh nặng, chính Triệu Thận biết tin đã kịp thời thông báo cho Tống Cao Tông để vua đích thân tới tướng phủ thăm hỏi, đập nát ý đồ đưa con trai lên làm tể tướng của Tần Cối và đám tay chân. 

Nguyên nhân cuối cùng là do mẹ đẻ của vua Tống Cao Tông, tức Vĩ thái hậu. Không dành tình cảm cho Triệu Thận, Vĩ thị tỏ ra ưu ái Triệu Trác, một đứa trẻ khác cũng được nuôi dạy trong cung. Biết điều này, Tống Cao Tông đương nhiên cũng dao động lập trường. Mãi tới khi thái hậu qua đời, vua bèn nghĩ ra một diệu kế: đem tặng cho hai “ứng viên” mỗi người mười mỹ nữ tuyệt thế giai nhân, hơn nữa đều là trinh nữ để thử thách. Chiêu này quả “độc nhất vô nhị”. Cả Triệu Thận lẫn Triệu Trác đang ở độ tuổi thanh niên trai tráng, “sinh long hoạt hổ”, nên chuyện kiềm chế dục vọng trước dàn mỹ nhân hôi hổi xuân thì quả thực khó khăn. 

Sau một thời gian, Tống Cao Tông triệu hồi 20 mỹ nữ đồng trinh ấy, rồi lệnh cho kiểm tra kỹ lưỡng một lượt. Sự thực đã rõ như ban ngày, mười người đẹp đem tặng cho Triệu Trác đã thành đàn bà từ lâu, mười cô của Triệu Thận hãy còn trinh nguyên. Căn nguyên của chuyện này phải kể đến công lao to lớn của Sử Hạo – thầy giáo của Triệu Thận. Chính ông đã khuyên nhủ học trò nên kiềm chế ham muốn phàm tục mà nuôi chí lớn. Cũng nhờ thử thách thâm hiểm này, cuối cùng, Tống Cao Tông đã quyết định lập Triệu Thận làm hoàng thái tử. 

Tới năm 1162, Tống Cao Tông thoái vị. Triệu Thận chính thức nắm giữ ngai vàng, cai quản giang sơn xã tắc. Ông chính là Tống Hiếu Tông, vị hoàng đế có nhiều công trạng thời Nam Tống. Miếu hiệu Hiếu Tông của vị vua này mang ý nghĩa là “vị tổ tiên biết giữ trách nhiệm và bổn phận”. Trong suốt 27 năm trị vì của mình, ông đã sử dụng ba niên hiệu: Long Hưng (1163 - 1164), Càn Đạo (1165 - 1173) và Thuần Hy (1174 - 1189). 

0 nhận xét:

Post a Comment