Wednesday, August 22, 2012

Truyện cho trẻ em: Lắm sạn, nhiều... sex

Những ngôn từ thô tục, những đoạn hội thoại ám chỉ sex cùng những hình ảnh nhạy cảm… đang tràn lan trong những cuốn truyện tranh của trẻ. Không chỉ đọc, nhiều bạn trẻ còn tự sáng tác truyện tranh sex...

Sex không từ con nít

Bộ truyện tranh được tái bản nhiều lần và luôn “hot” trong các dịp hè là truyện “Shin…”. Truyện xoay quanh cậu bé 5 tuổi đang học mẫu giáo và bạn bè, gia đình, cô giáo của cậu. Đây là bộ truyện đã ra đời cách đây vài năm, sau khi ra bản gốc đã vấp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh về ngôn từ thô tục và đã buộc phải cắt xén, hiệu chỉnh cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.





Choáng với những hình ảnh như thế này trong truyện tranh của trẻ em

Một phụ huynh chia sẻ: “Xem qua vài tập tôi phát hoảng khi có những đoạn hội thoại giữa học sinh lớp mẫu giáo và cô giáo (mới lấy chồng)... Sao có thể dùng lời con trẻ để nói chuyện của người lớn như vậy được?. Và còn những đoạn thoại với cách nói ẩn dụ, ám chỉ đến sex cùng những hình ảnh nhạy cảm... không hợp với trẻ. Thật không thể hiểu vì sao NXB Kim Đồng lại cho xuất bản những bộ truyện tranh với lời thoại như vậy. Cấm các con không được đọc thì không thể vì bằng cách này hay cách khác chúng cũng đọc được”.

Một bà mẹ khác than: “Thấy con nói các bạn cũng có truyện này và lại là của một NXB có uy tín nên tôi cũng mua cho con. Thế nhưng, mới đọc vài đoạn tôi thực sự sốc, không hiểu nổi truyện này dành cho lứa tuổi nào!. Tôi hoang mang quá. Vẫn biết vấn đề sex ở Nhật rất cởi mở, nhưng không nghĩ nó lại có thể được đề cập trong truyện tranh cho trẻ em thế này”.

Khi giở cuốn truyện tranh có nhan đề “Chàng trai…” ra xem, một phụ huynh tá hỏa vì trong truyện là những hình ảnh trai gái ôm ấp nhau, tình tứ như người lớn, thậm chí còn có những hình ảnh gây sốc và một số cuốn khác cũng có nội dung tương tự. Chị còn choáng váng hơn khi nghe cô giáo nói, những học sinh đó còn rủ cả các bạn gái xem cùng…

Theo bà Phương Thúy, biên tập viên NXB Lao Động, đọc truyện tranh nhiều sẽ khiến trẻ lười đọc những cuốn truyện nhiều chữ. Truyện tranh chủ yếu là lời thoại không làm phong phú tâm hồn trẻ. Một giáo viên văn cho rằng, những cách xưng hô, những từ ngữ thô tục, cộc lốc, vô nghĩa… của các nhân vật trong truyện sẽ khiến những em nhỏ chưa đủ nhận thức để phân biệt đúng - sai hồn nhiên bắt chước và áp dụng. Đọc nhiều truyện tranh sẽ khiến tư duy ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng, sự cảm thụ văn học cũng hạn chế.

Sex cho tuổi 18

Đã qua rồi thời kỳ học sinh cấp 1, cấp 2 và cả cấp 3 tranh nhau quyển truyện Đôrêmon, một trong những cuốn truyện tranh giải trí được coi là phù hợp và hấp dẫn với tuổi mới lớn. Những dòng truyện tranh có nội dung sex, thậm chí gay, les (đồng tính nam, nữ) đang đổ về thị trường Việt Nam qua con đường dịch thuật chóng vánh của các công ty tư nhân với sự tiếp sức bằng cách cấp phép không thẩm định nội dung của các nhà xuất bản …

Hiện tại, các truyện khai thác những hình ảnh nhân vật khỏa thân, giới thiệu các tư thế nữ giới lõa thể hoặc chỉ với bộ đồ lót… đang “hồn nhiên” được cấp phép xuất bản.

Điều làm đảo lộn các giá trị văn hóa truyền thống là những nhân vật truyện tranh tán thưởng cách hành xử như vậy. Mặc dù một số cuốn đã bị xử phạt hành chính đối với các xuất bản phẩm không lưu chiểu mà đã phát hành: “Chàng trai…”, “Ichi…”, “Hội…”, “Girl…”, “Cra…”, “Good…” do NXB Thanh Hóa xuất bản; “Li…”, “Mặt trời…” do NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản, tuy nhiên nó vẫn âm thầm phát tán trong đời sống giới trẻ.

Không những thế, để làm phong phú thêm cho truyện tranh sex, để có được cảm giác lạ mà mạnh bạo hơn, họ còn rủ nhau sáng tác truyện sex rồi tung lên blog riêng hoặc chia sẻ cho nhau trên các diễn đàn.

Hầu hết những truyện mà các em này sáng tác đều đề cập đến những chuyện quan hệ tình dục lứa đôi, loạn luân, đồng tính luyến ái... với những thứ ngôn từ trần trụi đến thô thiển. Họ miêu tả cụ thể từng chi tiết, từng động tác khiến cho người đọc khi đọc cũng cảm thấy phải đỏ mặt rung mình…

Thạc sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) nhận định: “Ở lứa tuổi vị thành niên hiện nay vấn đề nói chuyện về sex công khai trước mặt người lớn, đám đông vẫn đang là một điều cấm kị, trong khi ở độ tuổi của các em đã có những chuyển biến tâm lý rất mãnh liệt, nhất là các ham muốn tình dục.

Nguyên nhân việc truyện tranh xấu ồ ạt tấn công tuổi vị thành niên đến từ nhiều phía. Với tuổi vị thành niên thì vì tò mò, chuộng lạ. Phụ huynh của các em thì coi thường tác hại, họ nghĩ đó là loại truyện nhí nhố trẻ con nhưng an toàn, cùng lắm thì con mình chỉ không học giỏi văn.

Việc sáng tác truyện sex của các em, một phần cũng bắt nguồn từ việc muốn giải tỏa những ức chế về mặt tâm sinh lý đồng thời còn là muốn thể hiện mình để gây sự chú ý trước mọi người, nhất là những gì liên quan đến sex thường được nhiều người quan tâm rất nhiều”.

Có một điều đáng nói, khi cầm những cuốn truyện này, chúng ta không khỏi bàng hoàng không hiểu nổi, những cô bé, cậu bé của chúng ta đang ở đâu với những thứ thô tục này?. Lương tâm và trách nhiệm của các nhà xuất bản ở đâu khi ồ ạt cho ra lò những cuốn sách như vậy?. Rồi nữa, các em sẽ trưởng thành ra sao khi mà từ trang sách tới hiện thực là một "cái tôi" méo mó. Và những vụ án hiếp dâm kinh hoàng gần đây trong giới trẻ đã và đang thực sự đáng báo động…

Truyện không sex thì “sạn”

Bộ truyện tranh "Tý quậy" của NXB Kim Đồng (được trao giải sách hay của Hội Xuất bản Viêtj Nam) nên thu hút nhiều độc giả nhỏ.

Tuy nhiên, cách miêu tả quá chi tiết các trò bịp và một số ngôn từ thô tục trong bộ truyện tranh này đã gây phản ứng gay gắt trên các diễn đàn làm cha mẹ. “Không biết tác giả và các biên tập viên truyện tranh Tý Quậy nghĩ gì, nhưng đối với tôi những từ ngữ như “bỏ mẹ, mẹ kiếp...” (trang 122, tập 5 - Tý Quậy), mấy bạn nhỏ đi học với nhau xưng hô “mày-tao”, còn gọi thầy giáo là “ông ấy”- là không thể chấp nhận”- một phụ huynh bày tỏ.

Một phụ huynh cho biết: “Dù đã chọn truyện của nhà xuất bản uy tín nhưng vẫn không tránh nổi “sạn”.

Ví dụ truyện tranh 12 danh tác thế giới của NXB Kim Đồng - là những truyện được cô đọng từ những truyện kinh điển nổi tiếng thế giới.

Tuy nhiên, khi đọc tôi bất ngờ khi thấy nội dung truyện đã bị cắt gọt không chuẩn, đã không đảm bảo được cốt truyện chính, thậm chí còn tạo góc nhìn phiến diện.

Truyện lại sử dụng ngôn ngữ như “bùm, ối, á” vô nghĩa nên không thực sự giúp trẻ nâng tầm văn chương, cảm nhận văn học mà chủ yếu vẫn là giải trí”.

0 nhận xét:

Post a Comment